Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Gia cầm
[THÚ Y] Bệnh thiếu máu trên gà Chicken Anemia Virus (CAV)

Bệnh thiếu máu truyền nhiễm gà Chicken Anemia Virus (CAV) là một bệnh mới gây ra do một loại Taxonomvirus thuộc nhóm Adenovirus gia cầm (CAV). Bệnh có các tên khác nhau như bệnh cánh xanh, bệnh viêm da gà…

1. Mô tả bệnh

Bệnh có các biểu hiện đặc trưng: thiếu máu cấp, xuất huyết cơ và dưới da, thường thấy ở da cánh, thoái hóa teo tuyến ức, teo túi Fabricius và các cơ quan tạo miễn dịch khác. Tác hại nghiêm trọng nhất của bệnh do CAV gây ra đó là ức chế miễn dịch. CAV nhiễm vào cơ thể gà sẽ xâm nhập và nhân lên trong các cơ quan lympho. Chúng tấn công các tế bào lympho T làm suy giảm và phá hủy hệ thống miễn dịch. CAV còn tấn công các tác nhân ức chế sự phát triển của các virus gây bệnh marek, bệnh IB do đó tạo điều kiện cho các bệnh này bùng phát thành dịch. Ngoài ra còn có các dấu hiệu tăng khả năng nhiễm bệnh viêm phế quản truyền nhiễm trên những đàn gà nhiễm CAV.

2. Tuổi gà mắc bệnh và phương thức lây truyền

Bệnh có thể gây bệnh trên gà mọi lứa tuổi, mọi giống gà. Tuy nhiên các dấu hiệu lâm sàng chủ yếu được tìm thấy ở gà ở gà nhỏ hơn 2 tuần tuổi và sau 2-3 tuần tuổi gà đã có thể tạo kháng thể chống lại bệnh nhưng giai đoạn này vẫn có tỷ lệ nhiễm trùng cao, đặc biệt là ở gà siêu thịt.

Bệnh truyền ngang qua đường tiêu hóa và hô hấp bởi các chất hữu cơ, chất thải (phân hay chất chứa) trong chuồng hay các dụng cụ chăn nuôi bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh truyền dọc từ gà mẹ sang phôi trứng gây thiệt hại nặng vì gà con mới nở đã mang mầm bệnh trong khi hệ  miễn dịch chưa hoàn thiện.

3. Triệu chứng

- Gà bệnh ủ rủ hay nằm tụm đống dưới nguồn nhiệt, ngại vận động, xù lông, giảm hoặc bỏ ăn

- Mào tích nhợt nhạt, da vàng xanh do thiếu máu

- Tụ máu dưới da cánh (đặc biệt khủy tay) nên bệnh có tên là bệnh cánh xanh hoặc chảy máu từ lỗ chân lông ống của đuôi và cánh.

- Tiêu chảy mạnh, phân xanh vàng hoặc vàng trắng.

- Lông của phần lưng bị rụng, thấy rõ nhiều đám da bị viêm tạo vảy màu nâu đen.

- Bệnh kéo dài 10- 20 ngày và gà chết do mất máu suy kiệt hoặc do bệnh kế phát. Tỷ lệ chết khoảng 20 - 40% chủ yếu do thiếu máu nguyên phát đồng thời bội nhiễm hoặc do chảy máu gây hấp dẫn những gà khỏe đến mổ, cắn.

- Không có dấu hiệu lâm sàng hoặc ảnh hưởng đến sản lượng trứng hoặc khả năng sinh sản ở gà bố mẹ.

Gà  bị xuất huyết trên cánh do nhiễm CAV do vậy bện còn có tên Blue Wing Disease (bệnh xanh cánh)

Xuất huyết dưới da cánh 

Xuất huyết dưới da chân

 4. Bệnh tích

- Xác gà gầy, tụ huyết tím bầm dưới da khuỷu cánh, xuất huyết chân lông ống cánh, đuôi.

- Khi lột da thấy xuất huyết dưới da cánh, xuất huyết cơ đùi, cơ ngực.

- Xuất huyết dạ dày tuyến, gan, thận,… các cơ quan nội tạng có màu sắc nhợt nhạt.

- Túi Fabricius và tuyến ức teo lại, đồng thời xuất hiện những đám màu xám ở những thùy nhỏ.

- Tủy xương có màu vàng nhợt nhạt. do giảm dần các tế bào tạo máu và các mô tạo máu bị thay thế bởi các mô mỡ

- Máu loãng, chậm đông.

Cơ đùi của gà xuất huyết hình chấm do nhiễm virus CAV

Cơ ngực của gà xuất huyết do nhiễm virus CAV

Máu loãng khó đông và tủy xương nhợt nhạt trong bệnh thiếu máu truyền nhiễm

 5.  Phòng bệnh

Cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Thực hiện chăn nuôi cùng vào, cùng ra( In-Out), vệ sinh chuồng trại sạch sẽ

- Sử dụng vacxin phòng bệnh CAV

- Định kỳ dùng kháng sinh phòng bệnh để hạn chế bệnh kế phát và hạn chế mầm bệnh phát triển

- Không lấy trứng gà bệnh để ấp, nhân giống.

 6. Điều trị

- Tăng cường sức đề kháng và khả năng sản xuất máu cho gà bằng cách bổ sung các chất điện giải, vitamin và khoáng, đồng thời kết hợp việc giải độc gan- lách- thận

- Kiểm soát các bệnh kế phát bằng cách sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng như Ampicoli, Amoxicilline, Florfenicol, Doxycilline, Neomycine, Tilcomycin, Enroflocine, Lincomycine…

 

Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công ty TNHH Nhân Lộc