Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Gia cầm
[THÚ Y] Bệnh ký sinh trùng Leucocytozoon trên gia cầm

Bệnh gây ra do một loại đơn bào có tên Leucocytozoon trong các tế bào máu (Hồng cầu, bạch cầu và đại thực bào) và trong các tế bào nội mô thuộc các cơ quan gan, lách, thận, phổi, tim, ruột, dạ dày cơ, dạ dày tuyến, buồng trứng, ống dẫn trứng và não bộ của rất nhiều loài gia cầm, thủy cầm và hoang cầm gây ra (Leucocytozoonosis)…

1. Loại gia cầm mắc bệnh: Hiện nay đã tìm thấy 67 chủng Leucocytozoonosis gây bệnh. Bệnh đang trở nên rất phổ biến, lây lan mạnh và có thể gây chết đến 70% số gà, đặc biệt là gà chăn nuôi theo lối tập trung công nghiệp.

2. Tuổi gia cầm mắc bệnh: Gia cầm có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Tuổi càng cao (đến 1 năm tuổi) thì càng dễ mắc bệnh.

3. Cơ chế sinh bệnh: Bệnh lây lan chủ yếu từ các con mạt gà, muỗi, ruồi đầu đen…chúng là những loại côn trùng hút máu sống trong chuồng, xung quanh chuồng gia cầm hoặc ký sinh ngay trên da của gia cầm.  Khi các loại côn trùng trên đốt và truyền bệnh vào cơ thể gia cầm, các đơn bào phát triển và ký sinh trong hồng cầu gia cầm. Đơn bào sinh sản vô tính, phá vỡ nhiều hồng cầu, sau đó xâm nhập vào các cơ quan thực thể như gan, thận, lách, làm sưng to, biến dạng, xuất huyết…

4. Đặc điểm dịch tễ: Bệnh phổ biến xảy ra vào các tháng 2-7. Thường xuất hiện ngay sau tết Nguyên đán, bệnh nặng dần lên các tháng 3,4,5 dương lịch, rồi giảm dần vào các tháng tiếp theo 6,7,8 và hầu như rất ít xảy ra vào các tháng 9,10,11,12,1 trong năm. Trong mỗi cơ thể gia cầm có thể bị nhiễm 1 hoặc nhiều chủng Leucocytozoon khác nhau, chủng nhiễm trước không ngăn cản chủng nhiễm sau.  Gia cầm khỏi bệnh vẫn mang mầm bệnh trong cơ thể của nó hơn 1 năm nữa và trở thành nguồn dịch nguy hiểm nhất.

5. Triệu chứng bệnh:

- Thời kỳ ủ bệnh rất khác nhau phụ thuộc vào thể bệnh kéo dài từ 7-11 ngày ở thể quá cấp và cấp tính, nhưng có thể kéo dài đến 19 ngày hoặc dài hơn nữa ở thể dưới cấp và thể mãn tính…

- Bệnh có 4 thể biểu hiện phụ thuộc vào : 

+ Độ độc lực và số lượng chủng xâm nhập vào cơ thể gia cầm thụ cảm.

+ Tuổi gia cầm thụ cảm, tuổi càng cao bệnh càng nặng

+ Năng suất giống càng cao thì gia cầm càng dễ phát bệnh

+ Phương thức chăn nuôi, chăn nuôi tập trung dễ bị bệnh hơn chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi thả vườn dễ bệnh hơn chăn nuôi trong chuồng khép kín kiểm soát được tiểu khí hậu và côn trùng.

+ Điều kiện vệ sinh chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, công tác tiêu độc, khử trùng, côn trùng ruồi muỗi, mạt, dĩn… có tác động lớn đến đặc điểm dịch tễ và biểu hiện lâm sàng.

+ Bệnh sẽ nặng thêm nếu độ ẩm không khí chuồng nuôi cao, nhiệt độ giảm thấp, mưa kéo dài dầm dề.

Thể quá cấp:

Bệnh bỗng dưng bùng phát lẻ tẻ khi gặp các yếu tố stress bất lợi với các triệu chứng điển hình: đột nhiên ho hoặc hắt hơi tái nhợt mào, tích, rồi ộc máu ra miệng, mũi đôi khi ra cả hậu môn rồi chết, có 1 số khác lại lừ đừ buồn ngủ hoặc bị sốc thần kinh: nhảy xốc lên, rơi xuống nền dãy dụa trong khoảnh khắc rồi cũng lăn ra chết. Cả 2 trường hợp nêu trên đều do dập vỡ gan hoặc xuất huyết não. Khi mổ khám những gà chết này chúng ta thấy ngay mào tích trắng bệch hoặc loang lổ, chỗ tái nhợt, chỗ tím bầm. Gan, lách, thận to phì đại, gan bị dập vỡ và trong ổ bụng có nhiều máu loãng chưa đông hoặc chậm đông. Một số khác não bị phù nề và xung huyết hoặc xuất huyết. Số gà chết như mô tả trên không xảy ra ồ ạt, nhưng cứ tăng dần qua mỗi ngày. Nếu không được chuẩn đoán đúng và điều trị kịp thời tỷ lệ chết sẽ rất cao.

Thể cấp tính:

Đây là thể bệnh phổ biến nhất thường thấy ở gà từ 3 tuần tuổi trở lên. Những gà càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh (đến một năm tuổi). Lúc đầu chỉ thấy một tỷ lệ nhỏ gà có thể biểu hiện sốt cao, mào thâm tái sau vài ngày trở nên trắng bệch, khi cắt tiết gia cầm bệnh để khám xét ta thấy ngay máu rất loãng, chậm và khó đông. Gà ốm giảm ăn, ngại đi lại, hoặc đi không vững, gà bị tiêu chảy với màu sắc phân lung tung, lúc xanh lẹt, lúc xanh vàng, lúc vàng nâu, lúc xanh trắng. Gia cầm ốm gầy sút nhanh, yếu dần và rất khó thở, thở khò khè, đôi khi phải ngáp dài để hít khí. Nếu độ ẩm của thời tiết và của chuồng nuôi quá cao thì gà ốm càng khó thở và rất dễ chết, tuy nhiên gà chết không ồ ạt, mà chết lác đác, lẻ tẻ, nhưng tăng dần qua mỗi ngày. Lúc đầu chỉ chết vào ban đêm, về sau chết vào bất cứ lúc nào trong ngày, tỷ lệ chết lên đến 70%. Triệu chứng hen thở sẽ phức tạp hơn nếu gà bệnh bị bội nhiễm CRD, CCRD.

Ở gà đẻ trứng: triệu chứng thường thấy là: giảm không những sản lượng mà trọng lượng riêng của mỗi quả trứng cũng giảm rõ rệt – trứng đẻ ra nhỏ bé hơn bình thường rất nhiều, có cả trứng vỏ mềm dễ vỡ hoặc ngược lại vỏ rất dầy. Khi đưa trứng của những đàn bệnh này vào ấp ta thấy giảm mạnh tỷ lệ phôi, giảm tỷ lệ nở và số gia cầm mới nở bị chết yểu trong 3-5 ngày đầu chiếm tỷ lệ rất cao.

Thể dưới cấp:

Đây là thể bệnh được chuyển sang từ thế cấp tính ở những gà có sức chịu đựng tốt hoặc ở gia cầm trên một năm tuổi. Bệnh thường thấy ở gia cầm đang đẻ tốt nhất – tức tỷ lệ đẻ cao nhất. Và người ta thường thấy thể dưới cấp xảy ra ở thủy cầm, hoang cầm hơn là ở gia cầm nuôi trên cạn. Gia cầm bệnh sốt cao, giảm ăn, tiêu chảy loãng phân vàng xanh, xanh lẹt hoặc xanh trắng. Các triệu chứng ho hen nổi lên rất rõ và ngày càng nặng khi điều kiện thời tiết và chuồng trại bị ẩm thấp gia cầm bệnh gầy dần rồi chết, chúng chết rải rác và kéo dài, tỷ lệ chết ngày càng tăng qua mỗi ngày là nét đặc trưng của bệnh. Tổng số gia cầm chết dao động khoảng 30-40%.

Thể mãn tính hay còn gọi là thể mang trùng.

Đây là thể bệnh thường gặp ở chim hoang hoặc ở gia cầm sống sót đã khỏi bệnh, hoặc ở những gia cầm, thủy cầm được chăn nuôi quảng canh và bị nhiễm Leucocytozoon với số lượng ít, độc lực không cao…

Bệnh có những biểu hiện không rõ ràng, gia cầm vẫn ăn uống bình thường, đôi khi giảm ăn tức thời rồi lại ăn uống bình thường, kèm theo là sự rối loạn tạm thời về tiêu hóa và bài tiết, các biểu hiện ủ rũ hoặc động kinh hoặc đi lại không vững đều mang tính chất ngắt quãng, gia cầm bệnh thiếu máu, không lanh lợi…tỷ lệ chết không đáng kể, nhưng mang mầm bệnh trong nhiều năm là nguồn bệnh tiềm tàng và nguy hiểm nhất.

6. Bệnh tích

- Gan sưng to phì đại, mềm nhũn và dễ vỡ, trên bề mặt gan thấy nhiều điểm trắng

- Lách : sưng rất to, dòn và dễ vỡ giống như ở gan. Trên bề mặt lách có nhiều điểm xuất huyết hoặc hoại tử.

- Thận : sưng to lồi rõ lên, rìa thận bị xuất huyết, trên bề mặt cũng thấy nhiều điểm trắng.

- Buồng trứng và ống dẫn trứng: buồng trứng bị viêm, thoái hóa, ống dẫn trứng sưng dầy lên và có nhiều điểm xuất huyết hoặc các nốt sần

- Tim: tim to, cơ tim bị dầy lên nhưng lại bị giảm trương lực, nên trở nên mềm nhão, đôi khi ta thấy có nhiều nốt sần trắng trên bề mặt.

- Phổi : Phổi bị xung huyết nặng và có nhiều điểm vàng trắng

- Ruột non, dạ dày tuyến, dạ dày cơ đều viêm tăng sinh và dầy lên, đôi khi thấy các điểm hoại tử hoặc ổ loét.

- Não: phù nề hoặc và bị xung, tụ xuất huyết.

7. Chẩn đoán:

Dựa vào các đặc điểm của bệnh:

Dựa vào đặc điểm dịch tễ học: Bệnh thường xảy ra theo đặc điểm khí hậu của từng vùng, miền nóng ẩm, nơi trồng nhiều cây màu. Bệnh xảy ra tập trung vào mùa xuân và hè.

Dựa vào độ tuổi mắc bệnh: Gà thường mắc bệnh ở 35 ngày tuổi trở lên, tỉ lệ chết cao, gà mái giảm đẻ, ngừng đẻ không rõ nguyên nhân.

Dựa vào bệnh tích điển hình: Gà chết thường ộc máu ở miệng, mũi. Khi cắt tiết mổ khám máu loãng không đông, phân màu xanh lét.

Dựa vào kêt quả điều trị: Dùng thuốc kháng sinh điều trị không hiệu quả.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh truyền nhiễm khác:

            Giống bệnh Cúm A H5N1: Vì cũng xuất huyết dưới da.

            Giống bệnh Newcaslte: Xuất huyết ở dạ dày tuyến.

            Giống bệnh Marek: Dạ dày tuyến sưng to, xuất huyết.

            Giông bệnh Cầu trùng: Phân có máu tươi, xuất huyết ruột non, manh tràng.

            Giống bệnh Bạch lỵ: Xuất huyết lấm tấm hình đinh ghim ở gan.

            Giống bệnh Tụ huyết trùng: Phân xanh, xuất huyết ở ruột non.

            Giống bệnh Coryza sưng phù đầu: Sưng phù đầu, sưng mắt

            Giống bệnh Viêm thanh khí quản truyền nhiễm: Xuất huyết và teo buồng trứng.

            Giống bệnh Đầu đen: Mào, tích cũng nhợt nhạt, sưng gan, thận.

            Giống bệnh Thiếu dinh dưỡng, thiếu khoáng: Khô chân, mào nhợt nhạt.

           Giống bệnh Nhiễm trùng huyết: Gà thường mắc bệnh sau những đợt mưa rào, phân xanh , lông rất dễ rụng thành mảng to, xuất huyết dưới da.

Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm: lấy máu gà mắc bệnh nhuộm, soi trên kính hiển vi thấy ký sinh trùng hình thoi.

8. Phòng bệnh và Điều trị

Phòng bệnh:

- Ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp giữa côn trùng và gà bằng cách thường xuyên phun thuốc diệt côn trùng để diệt mạt gà, muỗi, ruồi đầu đen,…

- Hàng ngày cho uống các chất điện giải, Vitamin để tăng cường sức đề kháng cho gà.

- Bổ sung các sản phẩm giúp tăng cường chức năng gan, thận và giải độc.

Điều trị:

Khi chúng ta phát hiện bệnh thì thường là đàn gia cầm đã bị bệnh ở thể cấp tính: Gà sốt rất cao, giảm ăn trầm trọng, , thể trạng đàn gà rất yếu… Vì vậy việc đưa kháng sinh vào ngay sẽ không đem lại kết quả mà còn làm cho mức độ bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy khuyến cáo nhà chăn nuôi cần thực hiện theo những bước sau:

Bước 1: Hạ sốt, tăng lực, giải độc và thông khí quản

Bước 2: Vệ sinh sát trùng chuồng trại và xung quanh toàn bộ trang trại chăn nuôi thường xuyên bằng thuốc sát trùng

Bước 3: Sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu có các thành phần Sulfadimethoxine, Monomethoxine, Sulfaquinoxaline hoặc Clopidol để điều trị ký sinh trùng gà liên tục trong 3-5 ngày.

 

 Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công ty TNHH Nhân Lộc