Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Trâu, Bò
[THÚ Y] Bệnh viêm vú bò sữa

Bệnh viêm vú rất phổ biến trên các đàn nuôi bò sữa, mức độ nhiễm từ 10-90% đàn. Trung bình khoảng 50% bò bị nhiễm nhưng chỉ khoảng 5% thể hiện rõ triệu chứng. Tác hại của bệnh viêm vú ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi như sữa không bán được trong thời gian điều trị và thời gian chờ sau khi kết thúc điều trị, chi phí thuốc và công điều trị, trường hợp bò bị bệnh nặng phải loại thải...

1. Triệu chứng viêm vú ở bò sữa

      Bệnh viêm vú ở bò sữa là viêm các mô bầu vú do vi khuẩn xâm nhập vào vú qua lỗ thông sữa và gây viêm. Viêm vú giai đoạn đầu không lộ rõ triệu chứng ra bên ngoài, chưa nhìn thấy sự thay đổi của sữa nên gọi là viêm vú tiềm ẩn. Viêm vú tiềm ẩn rất nguy hiểm vì nguy cơ lây lan mầm bệnh cho toàn đàn rất cao.

      Đa số viêm vú tiềm ẩn phát triển thành viêm vú thể lâm sàng và người chăn nuôi có thể nhận biết được thông qua các triệu chứng như nhiệt độ bầu vú tăng cao và màu da bầu vú thay đổi; Bò có cảm giác đau nên không cho vắt sữa; Trạng thái và thành phần của sữa cũng thay đổi (sữa lợn cợn, kết sợi, sữa có màu không bình thường,…). Bầu vú của bò có thể bị biến dạng, trường hợp nặng thì toàn thân có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn. Khi bò bị viêm vú, nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể gây ra các biến chứng như vú bị teo, bầu vú bị xơ cứng thậm chí vú bị hoại tử.

                                    Bò bị viêm vú                                                                  Vú bò bị hoại tử do biến chứng

2. Nguyên nhân gây viêm vú ở bò sữa

        Có nhiều nguyên nhân gây viêm vú ở bò sữa nhưng chủ yếu nhất là do vi khuẩn xâm nhập vào bầu vú qua lỗ thông sữa và gây viêm.

      Nguồn vi khuẩn gây viêm có thể đến từ tay người vắt sữa, đến từ da bầu vú do vệ sinh không tốt. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể đến từ máu khi bò bị bệnh sót nhau, viêm tử cung và trong trường hợp này bò bị viêm cả 4 vú.

      Kỹ thuật vắt sữa không đúng như vắt sữa quá kiệt hoặc để sữa đọng lại bầu vú cũng dễ gây viêm vú.

      Một số nguyên nhân khác như do cấu tạo của bầu vú quá dài nên dễ nhiễm khuẩn từ nền chuồng và gây viêm vú; bò nằm ngay sau khi vắt sữa; vệ sinh chuồng trại không tốt, bò bị tiêu chảy,…

3. Phòng và trị bệnh viêm vú ở bò sữa

3.1. Phòng bệnh

       Việc sử dụng thuốc kháng sinh liều cao tràn lan để điều trị bệnh viêm vú trong thực tế đã làm cho nhiều vi khuẩn gây bệnh lờn thuốc. Vả lại có nhiều chủng vi khuẩn khác nhau gây bệnh viêm vú nên khả năng điều trị ngày càng giảm. Ngoài ra, trong quá trình điều trị và thời gian chờ sau khi kết thúc điều trị không được bán sữa do dư lượng kháng sinh, vì vậy công tác phòng bệnh rất quan trọng. Để phòng bệnh cần tuân theo các nguyên tắc sau:

-       Chọn bò có bầu vú cân đối không xệ; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh hiện tượng bò bị tiêu chảy và phân dính vào bầu vú; Nếu trong đàn bò có con bị bệnh thì vắt sữa sau cùng.

-       Tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh vắt sữa: Lau rửa sạch bầu vú trước và sau khi vắt sữa, tay người vắt sữa và dụng cụ vắt sữa phải được vệ sinh cẩn thận.

-       Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vắt sữa: Vắt sữa 2-3 lần/ngày, vắt sữa nhẹ nhàng, làm kiệt bầu vú nhưng không được vắt với áp lực mạnh gây đứt mạch máu núm vú.

-       Ngay sau khi vắt sữa phải dùng thuốc để sát trùng núm vú và sau đó nên cho bò ăn để tránh tình trạng bò nằm ngay sau khi vắt sữa vì khi đó cơ vòng núm vú chưa đóng nên trạng thái nằm sẽ làm núm vú tiếp xúc với nền chuồng từ đó dễ làm cho vi khuẩn xâm nhập vào vú.

3.2. Trị bệnh

       Khi bò bị bệnh cần điều trị bằng kháng sinh. Để hiệu quả điều trị cao cần phải lấy mẫu sữa bò bị viêm vú phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ rồi chọn lựa kháng sinh thích hợp để điều trị. Khi sử dụng kháng sinh phải tuân theo nguyên tắc sử dụng đúng liều lượng và liệu trình quy định. Sử dụng thêm thuốc bổ để trợ sức cho bò trong quá trình điều trị cũng như phòng bệnh.

Phòng kỹ thuật - Marketing - Công ty TNHH Nhân Lộc