Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Heo
[CHĂN NUÔI] Công tác giống trong chăn nuôi heo

Con giống tốt, khỏe mạnh sẽ nâng cao năng suất, hạn chế hao hụt trong quá trình chăn nuôi. Để lựa chọn con giống tốt điều lưu ý đầu tiên phải xác định mục tiêu sản xuất tức là ta nuôi nhằm mục đích gì?

Trong lĩnh vực chăn nuôi có câu: “ Giống là tiền đề, thức ăn là cơ bản, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng là yếu tố quyết định”.      

1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH NUÔI HEO ?

       Mục đích nuôi heo làm giống hay nuôi heo thương phẩm, từ đó ta mới xác định được những tiêu chuẩn chọn khác nhau.

       Đối với giống heo được phân chia giống ra thành 3 cấp giống: Giống ông bà, giống bố mẹ và giống thương phẩm.

         Giống ông bà: là những con heo thuần (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain, …) hầu hết được nhập từ nước ngoài thường được sử dụng để lai tạo ra giống bố mẹ.

        Giống bố mẹ là những con lai từ giống thuần, chúng có đầy đủ các tính trạng ưu thế của cấp giống ông bà và khắc phục được những nhược điểm của con thuần qua phép lai. Các con giống bố mẹ thường được sử dụng ở nước ta là giống York – Land (dùng làm nái), Pie – Dur (dùng làm đực giống), Dur – York (làm nái nền).

         Giống heo thương phẩm là những con lai tổng hợp với 3, 4 giống, chúng có khả năng tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp, phẩm chất thịt ngon, tỷ lệ nạc cao, độ dày mỡ lưng mỏng, … thường được nuôi để xuất bán thịt.

2. DỰA VÀO ĐẶC TÍNH ĐỂ CHỌN GIỐNG

          Bước tiếp theo trong chọn giống ta phải lưu ý đến đặc tính giống: nắm được đặc điểm ngoại hình, màu sắc lông, năng suất sinh sản, năng suất thịt, hướng sử dụng của giống heo nào đó.

          Ví dụ với một số giống heo ngoại:

          Giống heo Yorkshire (Đại bạch): Màu lông trắng, tai đứng, mõm thẳng, ngực rộng, ngoại hình thể chất vững chắc, số lứa đẻ 2 – 2,2 lứa/năm, tỷ lệ nạc 52 - 53 %, … .

          Giống heo Landrace: Dài đòn, mông nở, ngực hẹp, mõm dài thẳng, tai to cụp về phía trước, mình lép, bốn chân hơi yếu, lông da trắng, số lứa đẻ 2 – 2,2 lứa/năm, nuôi con giỏi, tỷ lệ nạc 56 – 57% ,…. .

         Giống heo Duroc (Heo bò): Ngoại hình cân đối, bộ khung vững chắc, bốn chân khỏe mạnh, tỷ lệ nạc cao 58 – 60%, màu lông thay đổi từ nâu nhạt đến nâu đậm, mõm thẳng và dài vừa, tai ngắn, cụp mông to, sinh sản kém, ….

        Giống heo Pietrain (Heo bông):  Toàn thân có màu trắng và có nhiều đốm màu xám trên  và không đều, đầu nhỏ, dài, tai to hơi vểnh, cổ to và chắc chắn,mình dài, vai-lưng-mông-đùi rất phát triển, tỉ lệ nạc cao >66,7%, heo đực có nồng độ tinh trùng cao, heo cái có khả năng sinh sản tương đối tốt.

Xác định được mục đích nuôi heo, để ta chọn lựa các phép lai phù hợp
3. CÁC PHÉP LAI GIỐNG

Trên lý thuyết, lai giống có những phép lai cơ bản sau:

Phép lai

Công thức

Mục đích

Lai 2 máu

Đực Yorshire x Cái Landrace

Đực Landrace x Cái Yorshire

Đực (nuôi thịt)

Cái (nuôi sinh sản)

Đực Pietrain  x Cái Duroc

 

Đực (làm giống)

Cái (nuôi thịt)

Lai 3 máu

Đực Du x Cái ( LY/ YL)

Đực, Cái (nuôi thịt)

Đực Pi x Cái ( LY/ YL)

Đực, Cái (nuôi thịt)

Lai 4 máu

Đực Pi Du x Cái (LY/YL)

Đực, Cái (nuôi thịt)

 

Trên thực tế, lai giống có những phép lai sau :

      - Nái: chọn giống thuần Yorshire, Landrace, hầu hết là nái được tuyển chọn về ngoại hình trong bầy đàn.

      - Đực: sử dụng tinh các trại giống (Yorshire, Landrace, Duroc, Pietrain, giống lai 2 máu, 3 máu, 4 máu PiDu, Pi4, SP, PIC (L19, L95, L06, L11, L64), France Hybride: FH 004, FH 012, FH 016, FH 019, FH 025, FH 100)

4. MỘT SỐ LƯU Ý

     Trong công tác lai giống hiện nay, cần quan tâm vấn đề đồng huyết vì đồng huyết sẽ làm cho giống heo bị thoái hóa, chậm sinh, vô sinh. Heo nái có chửa sẽ khó đẻ, thai yếu và dễ sinh ra các quái thai... Heo con còi cọc, chậm lớn.

     Bên cạnh đó, vấn đề lai tạo con giống thuần cũng là một khó khăn cho công tác lai giống vì hiện nay phải nhập từ nước ngoài giá thành rất cao và chúng chưa thích nghi được điều kiện chăn nuôi nước ta. 

Phòng Kĩ thuật - Marketing - Công ty TNHH Nhân Lộc