Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Heo
[THÚ Y] Tiêu chảy trên heo cai sữa

Bệnh tiêu chảy trên heo con cai sữa là một vấn đề được các nhà chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Tiêu chảy không chỉ làm heo con chậm lớn, tăng chí phí thú y mà thậm chí còn có thể gây chết heo.

1. Bệnh tiêu chảy là gì?

Theo Võ Văn Ninh (2008), tiêu chảy là hiện tượng rối loạn tiêu hóa, thay vì nhu động của ruột diễn ra bình thường thì trở nên co thắt quá độ làm cho những chất chứa trong lòng ruột non, ruột già thải qua hậu môn quá nhanh, dưỡng chất không kịp tiêu hóa và ruột già chưa hấp thu được nước … tất cả đều bị tống ra hậu môn với thể lỏng hoặc sền sệt.

2. Đặc điểm hệ tiêu hóa của heo giai đoạn này

Màng nhầy ruột non có những thay đổi khi heo được cai sữa lúc 3 – 4 tuần tuổi. So với trước khi cai sữa nhung mao (để hấp thu chất dinh dưỡng) ngắn đi 75% trong vòng 24 giờ sau cai sữa và tình trạng ngắn này vẫn tiếp tục giảm dần cho đến ngày thứ 5 sau cai sữa (Hampson and Kidder, 1986).

Giai đoạn này enzyme tiêu hóa (lactase, glucosidase, protease) bị giảm, do đó khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của ruột cũng giảm Hamston (1986).

Chiều dài của nhung mao giảm và hình dạng chưa trưởng thành của quần thể tế bào ruột (do tốc độ thay thế nhung mao ruột nhanh) là những lý do heo dễ nhạy cảm với các yếu tố gây tiêu chảy

3. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên heo cai sữa

Sau khi cai sữa chế độ ăn có sự thay đổi đột ngột về số lần ăn trong ngày và loại thức ăn. Khả năng tiêu hóa thức ăn của heo giai đoạn này kém (hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh) và sức đề kháng của heo con giảm rất nhiều trong giai đoạn này nên heo rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Vi khuẩn, virus là tác nhân quan trọng gây bệnh tiêu chảy ở heo. Ngoài ra, môi trường bất lợi, thức ăn không phù hợp cũng là những yếu tố làm heo cai sữa bị tiêu chảy.

3.1. Vi sinh vật

Vi sinh vật luôn hiện diện trong mọi trường hợp của bệnh tiêu chảy trên heo con, có thể nói đây là tác nhân chủ yếu của bệnh tiêu chảy trên heo con. Bình thường trong đường tiêu hóa của heo con, hệ vi sinh vật cộng sinh có vai trò quan trọng trong sự tiêu hóa, khi gặp điều kiện bất lợi, một số vi sinh vật trở thành gây bệnh.

3.1.1. Vi khuẩn

Bệnh tiêu chảy do Escherichia (E.coli)

Trong các vi khuẩn đường ruột thì loài Escherichia là loài phổ biến nhất. Loài này xuất hiện và sinh sống trong động vật chỉ vài giờ sau khi sinh và tồn tại cho đến khi con vật chết. Khi các điều kiện nuôi dưỡng, khẩu phần thức ăn, vệ sinh thú y kém, sức chống đỡ bệnh tật của con vật yếu, thì E.coli trở nên cường độc và có khả năng gây bệnh. Theo Nguyễn Như Pho (2001), bệnh tiêu chảy do E.coli có chiếm tỉ lệ rất cao trong bệnh tiêu chảy heo con. Thường gây bệnh lúc tập ăn, lúc mọc răng sữa, và lúc cai sữa.

Trên 70 % trường hợp tiêu chảy heo con là do E.coli với 2 thể bệnh: Tiêu chảy phân trắng và tiêu chảy phân vàng.

+ Tiêu chảy phân trắng do nhiễm E.coli thường có triệu chứng ói, sốt, heo con không bỏ bú. Lây lan chậm trong đàn, một số heo tiêu chảy, một số khác bình thường. Không xuất huyết hoặc loét ở niêm mạc ruột. Dùng kháng sinh sẽ có hiệu quả.

+ Tiêu chảy phân vàng khi kết hợp với virus thường xảy ra trên heo con trong 2 tuần đầu sau khi sinh. Phân vàng, nhiều nước, lây lan nhanh trong bầy. Khi tiêu chảy thì kèm theo ói mửa, heo con bỏ bú, mất nước rất nặng, heo con có thể gầy sút rất nhanh. Mổ khám thấy thành ruột rất mỏng, ruột chứa nhiều hơi, căng bóng. Dùng kháng sinh điều trị không hiệu quả.

Cách phòng bệnh là phải nuôi dưỡng heo mẹ tốt, ổn định không thay đổi thức ăn đột ngột. Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, heo con có ổ úm, được sưởi ấm 2 tuần đầu.

Bệnh phó thương hàn (tiêu chảy do Salmonellosis)

Bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra. Bệnh thường gặp ở heo con cai sữa đến 4 tháng tuổi, heo lớn ít bị. Bệnh lây truyền từ phân, nước tiểu heo bệnh.

Bệnh gây ra với đặc điểm bại huyết, gây viêm dạ dày ruột, tạo mụn loét ở ruột già, thường gây viêm phổi (trên heo cai sữa tuổi 10 – 16 tuần). Ở thể cấp tính, heo con thường sốt cao 40 – 41,5oC, bỏ ăn, nằm tụm lại một chỗ. Heo ói mửa, tiêu chảy phân vàng hôi thối, đau vùng bụng, đỏ ở vùng da mỏng, viêm khớp, viêm gan, viêm phổi, đi đứng không vững, run rẩy. Thể mãn tính, heo rất gầy yếu, da tái nhợt, sốt từng hồi, tiêu chảy lỏng có lẫn tế bào niêm mạc ruột, một số có thể ho, khó thở, viêm khớp, chậm tăng trưởng (Trần Thanh Phong, 1996).

Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm phòng vaccine phó thương hàn, tiêm 2 lần trong năm để đàn có miễn dịch. Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi tốt.

3.1.2. Virus

Dịch tiêu chảy cấp (tiêu chảy do Coronavirus)

Theo Trần Thanh Phong (1996), dịch tiêu chảy cấp (PED: Porcine Epidemic Diarrhea) ở heo là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây do Coronavirus gây nên với đặc điểm gây ói mửa, tiêu chảy trên heo mọi lứa tuổi. Gồm 2 type:

+ Type 1: gây tiêu chảy chủ yếu trên heo choai, heo thịt, hậu bị, nái nhưng không gây tiêu chảy trên heo con theo mẹ.

+ Type 2: gây tiêu chảy ở mọi lứa tuổi, gây chết cao trên heo sơ sinh.

 Heo con có biểu hiện tiêu chảy, có thể ói mửa. Tỷ lệ mắc bệnh có thể dẫn đến 100%, tỷ lệ chết thấp. Bệnh lan rất nhanh 20-30% heo cai sữa có thể mắc biểu hiện ói mửa, tiêu chảy. Gần 100% heo kém ăn hay bỏ ăn. Heo bệnh lờ đờ, buồn bã hiếm khi sốt, tiêu chảy phân có màu xanh nâu nhiều dịch chảy. Heo mất nhiều nước, gầy và suy nhược. Tiêu chảy và ói mửa có thể xuất hiện trong khoảng 3 ngày ở  thể cấp tính và có thể kéo dài đến 7-8 ngày.

Về bệnh tích  thì dạ dày luôn đầy hay được làm đầy bởi dịch có màu mật. Cả phần ruột già và ruột non thì nhợt nhạt chứa đầy dịch.

Cách phòng bệnh là dùng biện pháp Autovaccine. Khi nhập đàn nái hậu bị, cho tiếp xúc với nái đã mắc bệnh. Không có phương pháp điều trị đặc hiệu, cần giữ ấm cho heo con.

Tiêu chảy do Rotavirus

Rotavirus gây bệnh cho động vật ở lứa tuổi còn non. Heo thường mắc bệnh trong khoảng 7 – 41 ngày tuổi và rất ít xảy ra ở heo dưới 7 ngày tuổi (Bolh và ctv, 1978, trích dẫn bởi Đặng Việt Châu, 2002).

Thời gian ủ bệnh 18 – 24 giờ, vật có biểu hiện suy nhược, kém ăn, kém vận động, có thể ói mửa. Vài giờ sau, heo tiêu chảy dử dội, phân vàng với nhiều “cụm bông nổi”. Triệu chứng có thể giảm dần sau 4 – 6 ngày, nhưng phân mất màu vàng vào thứ 7 – 14.

3.2. Thức ăn nước uống

Thức ăn thay thế sữa mẹ thường khó tiêu hóa hơn sữa, do đó heo con giảm khả năng tiêu hóa, vi sinh vật ruột già dễ lên men nên giảm hấp thu nước ở đường ruột. Hậu quả là heo bị tiêu chảy (Trần Thị Dân, 2004).

Trong khẩu phần có nhiều chất xơ, cơ thể không tiêu hóa được, chất xơ kích thích tăng nhu động ruột và hấp thu nhiều nước làm phân trở nên lỏng hơn.

Ngoài ra thức ăn kém phẩm chất như bị lên men, thức ăn khó tiêu, hoặc lẫn các chất kích thích, các chất độc như thuốc sát trùng, thức ăn quá mặn hoặc tỷ lệ đạm quá cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy (Nguyễn Như Pho, 2001).

Dị ứng bởi thức ăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy (protein đậu nành, histamin trong bột cá).

Nước uống không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước dơ, nhiễm bẩn, có nhiều NH3+, NO3-, SO42- và các vi sinh vật có hại đều gây bất lợi cho đường tiêu hóa của heo.

3.3. Chăm sóc và môi trường

Ngoài yếu tố vi sinh vật và dinh dưỡng, heo con còn chịu ảnh hưởng bởi tiểu khi hậu chuồng nuôi và chế độ chăm sóc nuôi dưỡng. Việc thay đổi chuồng nuôi, vận chuyển, ghép đàn… làm heo bị stress. Ngoài ra, heo con khi cai sữa chịu lạnh kém vì xa mẹ và hàm lượng mỡ dự trữ của cơ thể còn ít, do đó chuồng heo cai sữa cần có đèn úm với nhiệt độ thích hợp.

Theo Phùng Ứng Lân (1985), do khả năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn chỉnh nên heo con rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ẩm độ chuồng nuôi cao sẽ dẫn đến tiêu chảy.

Môi trường thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, từ nắng chuyển qua mưa sẽ làm heo con tiêu hao nhiều năng lượng. Nhiệt độ ban đêm thường thấp, cơ thể chống lạnh bằng cách oxy hóa glycogen tạo ra năng lượng, nếu lạnh kéo dài thì lượng đường trong máu giảm thấp sẽ gây bệnh tiêu chảy.

4. Biện pháp phòng bệnh chung

Heo con cần được tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất. Cho bú đầy đủ sữa đầu, tiêm sắt và các vaccine phòng bệnh bắt buộc.

Chuồng trại thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa lạnh. Có biện pháp chống nóng, chống lạnh mỗi khi giao mùa.

Tiến hành tập ăn sớm cho heo con theo mẹ. Cung cấp thức ăn thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng và nhiệt độ chuồng nuôi phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của heo.

Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại hợp lý, nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng đến khả năng tăng trọng và phát triển của heo trong giai đoạn này.

Phát hiện kịp thời heo bị bệnh, xác định nguyên nhân để có hướng điều trị thích hợp. Khi heo bị tiêu chảy chú ý giữ ấm cho heo, cung cấp thêm nước, chất điện giải và vitamin cho heo con.

Kết luận

Giai đoạn heo con cai sữa hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh và sức đề kháng bị giảm trong giai đoạn này nên heo dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Vi khuẩn, virus là tác nhân quan trọng gây bệnh tiêu chảy ở heo. Ngoài ra, môi trường bất lợi, thức ăn không phù hợp cũng là những yếu tố làm heo cai sữa bị tiêu chảy. Do đó, cần có chế độ chăm sóc phù hợp nhất để heo có thể phát triển tốt.

Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công Ty TNHH NHÂN LỘC