Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
  • OVOLEAD
    CẢI THIỆN NĂNG SUẤT TRỨNG VÀ SẢN XUẤT GIỐNG
  • HCĐB
    Heo con lớn nhanh, da hồng, lông mượt, nở mông,...
  • B.COMPLEX – ...
    - Kích thích thèm ăn, trang trọng...
  • GLUCAN – C
    - Tăng cường miễn dịch, chống stress - Phòng bệnh tai...
  • ROMILK
    - Sữa bột chuyên dùng cho heo con - Thay thế...
  • Y – MOS
     Y –MOS là thành phần bổ sung thức...
  • Nutrase Xyla
      Men tiêu hóa giúp tăng năng...
  • FREE TOX
    Chất hấp thụ độc tố nấm mốc đa thành phần...
  • Manyang p
     Manyang p. là chất phụ gia thức ăn có...
  • CBN
    Hoạt chất tăng trưởng phi kháng sinh dùng cho...
  • COZYME 10X
    Men tổng hợp hỗ trợ tiêu hóa giúp...
  • CHOCOLATE ...
    Nguồn nguyên liệu kẹo đường Chocolate đặc biệt...
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Nuôi trồng Thủy sản
Bệnh gan thận mủ trên cá Tra

Bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri  trên cá tra nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) phổ biến và gây thiệt hại nhiều nhất...

Bệnh này xuất hiện đầu tiên vào mùa lũ năm 1998 ở các tỉnh nuôi cá tra thâm canh phát triển mạnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và có tên là BNP (Bacillary necrosis of Pangasius) (Ferguson, Turnbull, Shinn, Thompson, Dung & Crumlish, 2001). Sau đó, bệnh lan dần đến các vùng nuôi cá tra lân cận. Đặc biệt,  những năm gần đây bệnh này xuất hiện ở một số tỉnh mới phát triển nuôi cá tra như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng,… Hiện tại, bệnh gan thận mủ đã lây lan khắp các tỉnh ĐBSCL và xem như là bệnh không thể tránh khỏi (Từ Thanh Dung, 2005).

1. Nguyên nhân gây bệnh và đường lây truyền

Bệnh do vi khuẩn gram âm E.ictaluri thuộc họ Enterobacteriaceae gây nên và xảy ra nhiều vào mùa có nhiệt độ thấp. Vi khuẩn này tồn tại trong môi trường nước với thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiệt độ. Trong lớp bùn đáy ao vi khuẩn này có thể tồn tại 15 ngày ở 5 0C, 45 ngày 18 0C và 95 ngày ở điều kiện 25 0C (Plumb và Quinlan, 1986; được trích dẫn bởi Plumb, 1999).

Hiện nay, hướng lan truyền bệnh gan thận mủ theo chiều ngang, lây lan trực tiếp từ cá bệnh sang cá khoẻ, qua phân, qua môi trường nước (Từ Thanh Dung). Vi khuẩn trong nước có thể qua đường mũi của cá xâm nhập vào cơ quan khứu giác và di chuyển vào dây thần kinh khứu giác, sau đó vào não, bệnh lan rộng từ màng não đến sọ và da (Shotts và ctv, 1986). E.ictaluri cũng có thể xâm nhiễm qua đường tiêu hoá qua niêm mạc ruột vào máu gây nhiễm trùng máu, bằng đường này thì vi khuẩn vào mao mạch trong biểu bì gây hoại tử và mất sắc tố của da. Cá cũng có thể nhiễm E.ictaluri qua đường miệng gây nhiễm khuẩn ruột (Shott và ctv, 1986).

2. Tần số xuất hiện bệnh và độ nguy hại

Bệnh gan thận mủ thường xuất hiện vào mùa lũ hoặc sau khi nước lũ rút và cao điểm vào tháng 7, 8 kéo dài đến mùa khô. Lê Thị Bé Năm (2002) cũng cho rằng bệnh xuất hiện mạnh vào mùa lũ trong năm là do nước đục mang nhiều phù sa, chất lượng nước biến động, đồng thời nước chảy mạnh làm cá dễ bị sốc, giảm khả năng đề kháng đối với mầm bệnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh này xuất hiện trên cá tra hầu như quanh năm.

 

Hình 1. Tần số xuất hiện bệnh trong năm (Nguồn UV-Việt Nam)

Trong một vụ nuôi, bệnh có thể xuất hiện ít nhất 3-4 lần, gây hao hụt 20-60% phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và vệ sinh ao (Từ Thanh Dung, 2005). Bệnh gan thận mủ có thể xảy ra trên cá Tra nuôi ở các giai đoạn, tỉ lệ hao hụt có thể lên đến 90% (Nguyễn Quốc Thịnh và ctv., 2003), tỉ lệ hao hụt ở cá Tra giống có thể từ 10 – 90%, nhưng gây thiệt hại kinh tế lớn nhất là ở giai đoạn cá có trọng lượng từ 300 – 500g (Từ Thanh Dung và ctv., 2004). Có thể nói thiệt hại do bệnh là rất lớn, tỷ lệ cá chết có thể lên đến 90% trên cá tra giống và 50% trên cá nuôi thương phẩm (Nguyễn Hữu Thịnh, 2007).

3. Dấu hiệu bệnh lí

Dấu hiệu bên ngoài: Giai đoạn đầu, vài con tách đàn bơi lờ đờ ở đầu ao hoặc dạt về cuối ao, dọc bờ ao. Cá vẫn bắt mồi nhưng giảm ăn. Một số trường hợp cá có biểu hiện gầy, mắt hơi lồi, bơi lờ đờ, da nhợt nhạt, có biểu hiện xuất huyết trên da, hậu môn, các gốc vi và lườn bụng. Khi cá bệnh nặng chúng bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước và tỉ lệ chết cao.

Dấu hiệu bên trong xoang nội quan: E.ictaluri tấn công vào các cơ quan như thận, gan, tỳ tạng xuất hiện đốm trắng đường kính 1-3mm, xoang bụng tràn dịch (Từ Thanh Dung và ctv, 2001), các cơ quan này sưng to và có biểu hiện nhũn ở thận (Ferguson và ctv, 2001) .

 

Hình 2. Xuất hiện đốm mủ trắng trên gan thận tỳ tạng

4. Khả năng mẫn cảm của bệnh gan thận mủ với các bệnh khác

Khi cá mắc bệnh gan thận mủ thì khả năng miễn dịch giảm nên cơ thể dễ bị mẫn cảm với những mầm bệnh cơ hội tồn tại trong môi trường nước nuôi như xuất huyết, lồi mắt, đốm đỏ, thối mang, thối đuôi, bệnh do ký sinh trùng. Do đó, tỉ lệ chết cao hơn, làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.

Hơn nữa với việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị (Không đúng loại, liều cao, thời gian dài…) trong những lần mắc bệnh trước có thể dẫn đến hư hại hệ thống chuyển hóa gan,  thận, ruột nên cá dễ dàng mắc bệnh trắng gan trắng mang, bệnh vàng da sau khi điều trị bệnh gan thận mủ hoặc trong lúc điều trị.

5. Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn E.ictaluri

Cùng với sự phát triển nghề nuôi cá tra thâm canh, tỉ lệ các chủng vi khuẩn E.ictaluri kháng với kháng sinh ngày càng tăng lên. Hiện tượng đa kháng của các chủng vi khuẩn E.ictaluri gây bệnh gan thận mủ ở cá tra ngày càng nhiều và phức tạp và đã được cảnh báo trong nhiều năm qua.

Bảng 1. Thông tin về sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn E.ictaluri phân lập  ở cá tra bệnh gan thận mủ từ các nghiên cứu tại Khoa Thủy sản, Đại học Cần thơ (Nguồn từ  UV- Việt Nam)

 

Kháng sinh

Sốchủng kiểm tra

Sốchủng kháng thuốc

Tỉ lệ (%)

Nguồn

Oxytetracylin

77

65

84.4

Phương và ctv., 2005; Dung và ctv., 2008; Oanh và ctv., 2010.

Oxolinic acid

104

36

34.6

Sulphonamid

13

13

100

Streptomycin

64

53

82.8

Flumequin

64

5

7.8

Flofenicol

91

11

12.1

Dung et al., 2008;

Oanh và ctv., 2010.

Trimethoprim/sulfamethoxazole

94

66

70.2

Tetracyline

30

7

23.3

Oanh và ctv., 2010.

Doxycyline

27

4

14.8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo nghiên cứu của Từ Thanh Dung và ctv (2008) trên 50 chủng vi khuẩn E.ictaluri  và 17 loại kháng sinh kết quả cho thấy vi khuẩn đã kháng hoàn toàn với Flumequin, Trimethorime + Sulfamethoxazol và kháng cao với các loại kháng sinh như Enrofloxacin (76,3%), Chloramfenicol (78,6%), Florfenicol (73,5%),Streptomycin (95,6%), Tetracyclin (64%) và Doxycyclin (56%).

6. Biện pháp phòng bệnh

Trước sự đề kháng với các nhóm kháng sinh ngày càng cao của vi khuẩn E.ictaluri thì việc sử dụng kháng sinh để trị bệnh khi dịch bệnh xảy ra không được xem là giải pháp tối ưu nhất mà cần có một biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh một cách tốt nhất dựa trên mối quan hệ giữa mầm bệnh, vật nuôi và môi trường:

 

Hình 3. Mối quan hệ giữa mầm bệnh, vật nuôi và môi trường

6.1 Kiểm soát sự biến động của các yếu tố môi trường

Cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật trước khi thả cá giống nuôi. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như mật độ tảo, DO, pH, nhiệt độ, NH3, NO2… Đo các chỉ tiêu môi trường 2 lần trong ngày một lần vào sáng và chiều mát. Có các biện pháp kịp thời và thích hợp nhằm duy trì các yếu tố môi trường ở ngưỡng phù hợp.

6.2 Kiểm soát tình trạng sức khỏe cá

Cá giống mua về cần kiểm tra kỹ để loại bỏ những cá bị xây xát nhiều, không nên chọn cá giống đã nhiễm bệnh gan thận mủ. Nên tắm nước muối trước khi thả nuôi.

Thường xuyên theo dõi biểu hiện cá nuôi trong ao về bơi lội, hình dạng bên ngoài, tỉ lệ cá chết theo ngày, mổ thâm khám bên trong thường xuyên cá khỏe lẫn cá chết để theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Cho cá ăn vừa đủ, không cho cá ăn quá nhiều vì lượng thức ăn dư thải ra môi trường gây nên ô nhiễm cho ao nuôi.

Định kì bổ sung chất tăng cường miễn dịch để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.

6.3 Kiểm soát mầm bệnh

Khi dịch bệnh xảy ra, không vứt cá ra sông hoặc bán cá chết cho những hộ nuôi cá khác. Cá chết phải vớt ra khỏi ao càng sớm càng tốt, và chôn vào hố cách ly có rải vôi sống (CaO) để khử trùng.

Khử trùng ao, các dụng cụ xử lý cá chết như (lưới, vợt, sọt, ống dây) bằng thuốc sát trùng. Nước thải từ ao cá bệnh cần được xử lý diệt khuẩn trước khi xả ra ngoài.

Thu mẫu cá, nước gửi về những trung tâm xét nghiệm để kiểm tra phân tích kháng sinh đồ để có một pháp đồ điều trị hợp lý (đúng loại kháng sinh, liều lượng, liệu trình).

7. Những nghiên cứu mới để thay thế hóa chất, kháng sinh trong trị bệnh gan thận mủ

Ứng dụng các phương pháp như vaccine, vi khuẩn có lợi, chế phẩm từ thảo dược,... là những giải pháp thay thế hiệu quả trong bảo quản và phòng trị nhiều loại bệnh trên thủy sản nuôi, nhằm khắc phục tình trạng sản phẩm nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh có thể gây mất an toàn cho người sử dụng.

- Ứng dụng chất chiết xuất từ thảo dược: những năm gần đây xu hướng dùng thảo dược trong chữa trị bệnh trên động vật thủy sản ngày càng được phổ biến do biên độ an toàn cao (Phạm Thiệp và Vũ Ngọc Thuý, 2001), có nhiều nghiên cứu sử dụng chất chiết xuất từ thảo dược để phòng bệnh gan thận mủ ở cá Tra được thực hiện:

+ Chiết chất từ cây Hoàng Kỳ cũng đã được thử nghiệm để tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch của cá Tra (Đặng Thị Hoàng Oanh và Trần Thị Yến Nhi, 2011).

+ Qua các nghiên cứu về những thảo dược xử lý bệnh gan thận mủ và đề tài khảo sát sự kháng vi khuẩn Edwardsiella ictaluri bởi một số dịch chiết từ thảo dược (Ổi, Trầu Không, Bàng) của Nguyễn Văn Dương, 2013… đều cho kết quả có khả năng kháng lại vi khuẩn E.ictaluri.

+ Khoa sinh học ứng dụng trường Đại Học Tây Đô còn nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn Edwardsiella ictaluri của dịch chiết từ 3 loại thảo dược (diệp hạ châu đỏ, diệp hạ châu xanh và bạch hoa xà). Kết quả cho thấy cả 3 cây đều có tính kháng khuẩn trong đó lá cây diệp hạ châu đỏ có khả năng kháng khuẩn mạnh nhất.

- Ứng dụng probiotic: Nghiên cứu của Võ Minh Sơn và ctv về hỗn hợp probiotic bao gồm các chủng Bacillus. circulans B3, B.subtilis N26.3, P.acidilactici LA61 sử dụng ở nồng độ 1x107 CFU/g và cho ăn trong 4 tuần có khả năng tăng cường sức đề kháng, kháng bệnh gan thận mủ gây ra bởi E.ictaluri trên cá tra.

- Ứng dụng vaccine: Nghiên cứu thử nghiệm vaccine ALPHAJECT® Panga 1 phòng bệnh gan thận mủ cho cá tra nuôi thâm canh (Từ Thanh Dung, 2011)  kết quả cho thấy khi tiêm vào xoang bụng đã kích thích hình thành miễn dịch đặc hiệu chống lại vi khuẩn E.ictaluri.

Kết luận:

Bệnh gan thận mủ xuất hiện với tần số nhiều và mức độ nguy hại cao, khi bệnh xảy ra thường kéo theo sự mẫn nhiễm với các mầm bệnh khác trong ao, làm diễn biến bệnh phức tạp hơn gây khó khăn trong công tác điều trị, tốn kém chi phí nhưng hiệu quả không cao. Do vậy, việc nắm rõ đặc điểm của bệnh và nguyên tắc phòng bệnh dựa trên mối quan hệ giữa môi trường, mầm bệnh và vật nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu và cấp thiết nhất. Bên cạnh đó, những nghiên cứu thay thế kháng sinh bằng các hợp chất khác như (thảo dược, vaccine, probiotic…) cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa và đẩy mạnh ứng dụng thực tiễn trong việc phòng trị bệnh cho cá tra nuôi.

Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công Ty TNHH NHân Lộc