Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Gia cầm
[THÚ Y] Các tác nhân gây giảm đẻ trên gà

“Giảm đẻ trên gà” là vấn đề được nhà chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Những tác nhân này không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng trứng, mà thậm chí còn có thể làm chết gà, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi...

I. Các tác nhân gây giảm đẻ trên gà

1. Nhóm tác nhân do virus

+  Hội chứng giảm đẻ - EDS'76 (Egg Drop Syndrome 1976) là bệnh mới được phát hiện năm 1976. Khi người ta đã dùng tất cả các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm có liên quan tới tỷ lệ đẻ trứng và dùng đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để kích thích đẻ trứng, nhưng ở một số đàn gà đẻ, trứng vẫn giảm. Nguyên nhân do một loại virus thuộc nhóm Adenovirus gây ra. Bệnh thường xảy ra trên đàn gà chuẩn bị đẻ hoặc đang đẻ. Đặc trưng của bệnh là gà đang đẻ bình thường tự nhiên giảm đẻ đột ngột 20-40% và kéo dài liên tục, gà ăn uống bình thường và không chết, thỉnh thoảng có tiêu chảy và thiếu máu, mào nhợt nhạt. Hình dạng trứng ngắn lại, vỏ mỏng, sần sùi và chuyển từ màu nâu sang màu trắng, có khi không có vỏ, lòng trắng loãng. Khi mổ khám thấy những biến đổi: buồng trứng và ống dẫn trứng bị teo nhỏ; trứng non không phát triển; đôi khi tử cung bị viêm.

 

Hình 1. Trứng gà bệnh có vỏ mỏng, màu nhạt, không có vỏ.

+  Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm – IB (Infectious Bronchitis) thường có biểu hiện ho, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi, sản lượng trứng giảm tới khoảng 50% kéo dài trong 6-8 tuần, trứng méo mó, vỏ mỏng hay nhăn gợn sóng. Lòng trắng trứng mất tính nhớt. Cơ quan sinh sản: ống dẫn trứng bị giảm kích thước, giãn nở các tuyến nhầy, phù, xơ hóa, những nang trứng chưa chín cũng bị u nang, tế bào trứng rơi vào xoang bụng gây viêm màng bụng. Chẩn đoán phân biệt với bệnh Hội chứng giảm đẻ: vỏ trứng của gà mắc bệnh IB không bị biến màu, gà có biểu hiện ho, hắt hơi..,

 

Hình 2. Vỏ trứng bị ảnh hưởng

 

Hình 3. Lòng trắng trứng lỏng như nước

+  Bệnh dịch tả (Newcastle Disease) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra trên gà ở mọi lứa tuổi. Trên gà đẻ có triệu chứng chính là gà giảm đẻ nhanh, vỏ trứng mềm. Mổ khám thấy buồng trứng sung huyết đỏ và có một số trứng bị teo.

 

Hình 4: Trứng hư hại do dịch tả

 

Hình 5: Nang trứng xuất huyết

+  Bệnh Marek là một bệnh truyền nhiễm do Gallid herpesvirus 2 (GaHV-2) gây ra viêm hệ thần kinh vận động, đặc biệt là thần kinh ở cánh, làm tăng sinh tế bào Lympho nên hình thành các khối u ở trong cơ thể, ở buồng trứng, làm giảm hoặc ngừng đẻ.

   

Hình 6. Khối u ở buồng trứng

2. Nhóm tác nhân do vi khuẩn

+  Bệnh tụ huyết trùng (Fowl cholera) là một bệnh truyền nhiễm gây chết nhanh và tỷ lệ chết cao với biểu hiện gia cầm chết đột ngột, trạng thái mệt mỏi, mào tím tái, đi lại chậm chạp, liệt chân hay liệt cánh. Phân tiêu chảy thất thường, trắng loãng, trắng xanh hoặc có máu tươi. Thở khó, chảy nước mắt, nước mũi. Mổ khám thấy buồng trứng đôi khi sung huyết đỏ hoặc xuất huyết và trứng non vỡ.

Hình 7. Buồng trứng bị xuất huyết 

Hình 8: Trứng bể vào xoang bụng

+  Bệnh bạch lỵ (Salmonellosis) không có biểu hiện rõ ràng ở lâm sàng, chỉ thấy giảm trứng, mào tái. Do vi khuẩn làm bại huyết gây thiếu máu và vi khuẩn cư trú ở buồng trứng gây viêm teo buồng trứng. Trứng non, méo mó, màu sắc biến đổi từ đỏ sang trắng (u nang buồng trứng).

Hình 9. Nang trứng bị bất thường

+  Bệnh viêm gan do vi khuẩn Vibrio (Vibrionic hepatitis) thường ở dạng âm ỉ và tồn tại lâu dài trong điều kiện tự nhiên, gà ủ rũ, tiêu chảy. Gà đẻ giảm trứng, mào teo và có vảy. Trứng non bị vỡ hoặc thoái hóa hoàn toàn (vón cục màu trắng, cứng từng đám như hạt đậu trong buồng trứng).

2. Nhóm tác nhân do dinh dưỡng

Gà cần một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng để duy trì cơ thể và sản xuất trứng mỗi ngày. Mỗi quả trứng có chứa một lượng protein và năng lượng nhất định để hình thành, ngoài ra gà còn cần năng lượng để duy trì các hoạt động bình thường khác; Vậy nên cần cung cấp một lượng dinh dưỡng đầy đủ cho gà để tăng khả năng sản xuất. Khẩu phần mất cân đối dinh dưỡng, thiếu nước uống ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng trứng.

+  Thiếu protein: Cung cấp quá ít năng lượng và sự mất cân đối các acid amin cũng là một nguyên nhân dẫn tới giảm sản lượng và chất lượng trứng. Thiếu lysin ảnh hưởng đến tỉ lệ lòng đỏ, trong khi đó thiếu methionine lại ảnh hưởng chủ yếu tới lòng trắng.

+  Thiếu vitamin A: Giảm năng suất đẻ, vỏ trứng mỏng, trong trứng có những điểm máu và lòng đỏ nhợt nhạt; tỷ lệ nở thấp, thường chết phôi vào ngày ấp thứ 12; nếu thiếu nhẹ tỷ lệ trứng xác cao, gà con nở ra yếu, mắt sưng.

+  Thiếu vitamin E: Tỷ lệ đẻ và tỷ lệ ấp nở giảm, phôi thường chết vào ngày thứ 4-6. Năng suất giảm, gà đẻ không đều, lòng đỏ nhạt màu.

Thiếu vitamin B: Chỉ ảnh hưởng đến sản lượng trứng nhưng không ảnh hưởng đến khối lượng trứng

+  Thiếu Vitamin D: Trứng đẻ vỏ mỏng kéo dài một thời gian, sau chuyển sang đẻ non. Tỷ lệ đẻ giảm. Thỉnh thoảng bị liệt nhưng qua khỏi nhanh sau khi đẻ trứng không vỏ (đẻ non). Gà bệnh đứng lù đù như "chim cánh cụt".

 +  Thiếu canxi và phospho: Vỏ của trứng gà chứa khoảng 2g canxi. Bột xương của gà chứa khoảng 20g canxi. Như vậy, mỗi quả trứng chiếm khoảng 10% canxi trong cơ thể gà. Nhu cầu canxi của gà đẻ là rất lớn. Nếu khẩu phần ăn không được cung cấp đủ canxi và phospho (thiếu bột sò, bột xương, bột cá, bánh dầu lạc và đậu tương...). Hoặc trong thức ăn bổ sung canxi, phospho nhưng ở dạng khó tiêu hóa. Chuồng trại làm quá kín ánh sáng mặt trời buổi sáng không chiếu vào cơ thể của gà được, Thiếu vitamin D là thiếu yếu tố điều hòa sự hấp thu canxi từ thức ăn vào cơ thể hay khẩu phần ăn chứa lượng chất béo (mỡ, dầu) quá cao, làm giảm khả năng hấp thụ Ca, P. Trứng đẻ ra có vỏ mềm, mỏng hoặc không có vỏ, sau đó ngưng đẻ, tỷ lệ ấp nở thấp. 

 

 

Hình 10. Vỏ trứng mềm, mỏng

+  Trúng độc Sulfamid do dùng quá liều hay dùng kéo dài, gà chậm phát triển, sử dụng thức ăn kém, lông xù, mào tím tái và máu chậm đông. Ở gà đẻ, tỷ lệ đẻ trứng giảm, trứng có vỏ xù xì tăng, vỏ mỏng và mềm; trên vỏ trứng có những điểm máu (do xuất huyết nội tạng).

4. Nhóm tác nhân do quản lý

+  Stress nhiệt: Nhiệt độ và độ ẩm cao gây stress cho gia cầm. Nếu nhiệt lượng sản xuất lớn hơn nhiệt lượng thải ra, nhiệt độ cơ thể gia cầm sẽ tăng lên. Khi thời tiết nóng gia cầm hạn chế hoạt động và ăn ít hoặc bỏ ăn. Sự tiêu thụ và tiêu hóa thức ăn làm gia tăng nhiệt độ cơ thể do đó gia cầm sẽ giảm lượng thức ăn ăn vào. Lượng ăn giảm sẽ ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận. Lượng nước tiêu thụ cũng sẽ tăng trong thời tiết nóng, hậu quả làm cho phân lỏng và chuồng trại ẩm hơn.

Có lẽ hậu quả thường gặp nhất của stress nhiệt là sự suy giảm chất lượng vỏ trứng. Chất lượng vỏ trứng cũng bị ảnh hưởng trong thời tiết nóng, nhưng không hoàn toàn là do sự thiếu hụt canxi từ thức ăn do giảm lượng ăn. Gà mái thở nhanh hơn để làm mát cơ thể, lượng CO2 dư thừa được thở ra, làm cho máu trở nên kiềm hơn. Máu bị kiềm làm giảm khả năng mang canxi đến cơ quan sinh sản để tạo thành vỏ trứng. Tăng hàm lượng canxi trong thức ăn sẽ không thể giúp cải thiện chất lượng vỏ trứng trong trường hợp này.

Giảm lượng thức ăn ăn vào sẽ gây giảm tăng trọng, sản lượng và trọng lượng trứng thấp hơn trên gà đẻ. Các khoáng chất khác trong máu cũng bị ảnh hưởng bởi stress nhiệt. Một trong những nguyên tố quan trọng nhất là phospho, và nhu cầu phospho tăng lên ở nhiệt độ cao. Mức phospho thấp khi kết hợp với stress nhiệt, có thể dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong, đặc biệt là trên đàn gia cầm già.

Bảng 1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với lượng ăn, trọng lượng cơ thể và kích thước trứng

Chỉ tiêu

Nhiệt độ (0C)

27.5

29.2

30.8

31.7

Lượng ăn (g/ngày)

113.7

102.2

101.5

94.4

Trọng lượng cơ thể (g)

1589

1441

1400

1478

% trứng vừa và nhỏ

32.3

48.4

56.3

66.7

 Nguồn: D.R. Sloan & R.H. Harms, 1984.

Kiểm soát thời gian chiếu sáng: Thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể trong quá trình phát triển, sự thành thục về sinh dục, năng suất trứng, kích cỡ trứng và tỷ lệ ấp nở của trứng. Gà mái đẻ được chuyển từ chế độ chiếu sáng ngắn sang chế độ chiếu sáng dài sẽ có sức đẻ trứng tăng lên và chuyển từ chế độ chiếu sáng dài sang chế độ chiếu sáng ngắn sẽ giảm sức đẻ trứng. Gà mái đẻ cần 14 - 17 giờ chiếu sáng/ngày. Theo Moris (1973) (dẫn theo Phạm Thị Minh Thu và cs (2004)) ở chế độ chiếu sáng 14 giờ sáng và 13 giờ tối thì khối lượng trứng gà tăng 1,4g so với chế độ chiếu sáng 14 giờ sáng và 10 giờ tối, trong khi đó ở chế độ chiếu sáng 14 giờ sáng và 16 giờ tối thì khối lượng trứng tăng lên 2,9g so với chế độ 14 giờ sáng và 10 giờ tối.

II. Các biện pháp phòng ngừa và điều trị

1. Đối với nhóm tác nhân do virus, vi khuẩn

Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tạo điều kiện thoải mái nhất cho gà. Tiến hành vệ sinh sát trùng định kỳ.

+  Đối với nhóm tác nhân do virus: Biện pháp duy nhất là chủng ngừa đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm. Tùy theo tình hình dịch tễ của từng địa phương cần phải có chương trình vắc xin phù hợp. Thường xuyên tiến hành lấy máu kiểm tra hàm lượng kháng thể để đảm bảo đàn gia cầm đã được bảo hộ đầy đủ.

Việc lựa chọn phương pháp chủng vắc xin để đạt được hàm lượng kháng thể cao và đồng đều cho đàn gia cầm cũng cần được lưu ý. Độ đồng đều kháng thể giảm dần theo thứ tự. Chích > nhỏ mắt, mũi, miệng > phun > cho uống. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, cho đến nay phương pháp cho uống vẫn được đa số trại lựa chọn. Khi chủng ngừa vắc xin cần chú ý: chủng loại vắc xin, số liều, phương pháp bảo quản, hạn sử dụng. Các tác nhân khác có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chủng ngừa bao gồm: độ tuổi gia cầm, tình trạng sức khỏe của đàn, chất lượng nước pha, phương pháp chủng…

+  Đối với nhóm tác nhân do vi khuẩn: Có thể sử dụng các kháng sinh để điều trị. Ngoài ra nên áp dụng chương trình phòng bệnh bằng kháng sinh trong những thời điểm nhạy cảm như chuyển mùa, mưa nắng thất thường, lên lồng… Khi sử dụng kháng sinh điều trị bệnh nên kết hợp với giải độc gan, thận, vitamin, acid amin...

2. Đối với nhóm tác nhân do dinh dưỡng, chăm sóc

Cần cung cấp cho gia cầm một chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ và cân đối về chất và lượng. Để hạn chế ảnh hưởng của stress nhiệt trên gia cầm nên bổ sung các loại vitamin, acid amin, điện giải và thường xuyên bổ sung canxi, phospho, các chất khoáng khác ở dạng dễ hấp thu. Chuồng nuôi và môi trường nuôi phải tạo sự thông thoáng, thoải mái nhất cho gia cầm.

III. KẾT LUẬN

Khi sản lượng và chất lượng trứng giảm đột ngột hay giảm bất thường cần phải có những đánh giá tổng quát để xác định chính xác nguyên nhân. Trên đây là một số yếu tố thường gây giảm đẻ trên gia cầm. Đối với các tác nhân do nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn) hầu hết các trại chăn nuôi đã nắm rõ về quy trình phòng và điều trị. Tuy nhiên các yếu tố do quản lý, đặc biệt là stress nhiệt vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mực. Hiện nay, biện pháp bổ sung các loại thuốc giải độc gan thận và cung cấp vitamin, acid amin, khoáng dưới dạng dễ hấp thu đã và đang được nhiều trại gà đẻ (đặc biệt là trại nuôi quy mô công nghiệp) đưa vào quy trình như là một biện pháp để phòng các nguy cơ gây giảm đẻ trên gia cầm.

Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công Ty TNHH NHÂN LỘC