Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
  • OVOLEAD
    CẢI THIỆN NĂNG SUẤT TRỨNG VÀ SẢN XUẤT GIỐNG
  • HCĐB
    Heo con lớn nhanh, da hồng, lông mượt, nở mông,...
  • B.COMPLEX – ...
    - Kích thích thèm ăn, trang trọng...
  • GLUCAN – C
    - Tăng cường miễn dịch, chống stress - Phòng bệnh tai...
  • ROMILK
    - Sữa bột chuyên dùng cho heo con - Thay thế...
  • Y – MOS
     Y –MOS là thành phần bổ sung thức...
  • Nutrase Xyla
      Men tiêu hóa giúp tăng năng...
  • FREE TOX
    Chất hấp thụ độc tố nấm mốc đa thành phần...
  • Manyang p
     Manyang p. là chất phụ gia thức ăn có...
  • CBN
    Hoạt chất tăng trưởng phi kháng sinh dùng cho...
  • COZYME 10X
    Men tổng hợp hỗ trợ tiêu hóa giúp...
  • CHOCOLATE ...
    Nguồn nguyên liệu kẹo đường Chocolate đặc biệt...
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Trâu, Bò
[CHĂN NUÔI] Giống bò thịt

Chăn nuôi nói chung hay chăn nuôi bò thịt (CNBT) nói riêng thì công tác chọn giống chiếm một vai trò rất quan trọng, quyết định thành công của trại . Trong nội dung bài viết này chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc một số giống bò thịt đang được nuôi hiện nay, giúp bạn đọc có thể chọn được giống bò phù hợp....

Hiện nay, CNBT đang ngày càng phát triển, đặc biệt khi có sự tham gia của một số công ty, tập đoàn lớn vào lĩnh vực này. CNBT không chỉ là nuôi để tận dụng rơm, cỏ..những phụ phẩm nông nghiệp, nuôi theo kiểu “lấy công làm lời” hay “nuôi để dành” nữa, mà còn được chú trọng đến năng suất và chất lượng thịt nhiều hơn, đầu tư kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp hơn. Vì vậy, muốn CNBT đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, cần quan tâm đến những vấn đề cơ bản như: giống, tuổi, giới tính, khối lượng lúc giết mổ, dinh dưỡng và phương thức vỗ béo. Trong đó giống là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Giống khác nhau thì tốc độ sinh trưởng, phát triển, tích lũy thịt, mỡ khác nhau cùng với đó thì điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng cũng khác nhau. Vì vậy, tùy theo điều kiện chăn nuôi và mục đích nuôi để chọn giống cho thích hợp.

1. Bò ta vàng

Bò Việt Nam nguồn gốc từ bò Bostaurus, nhánh bò châu Á, có u như bò Zebu Ấn Độ, hầu hết màu vàng, vàng nhạt hoặc vàng đậm, nên có tên chung là bò vàng Việt Nam. Giống bò này nuôi chủ yếu làm sức kéo từ lâu đời chưa được cải tạo, nên không có thiên hướng sản xuất rõ rệt, không có tên riêng mà gọi theo địa danh: Bò Thanh Hoá, bò Nghệ An, bò Bình Định, bò Phú Yên,...

Bò vàng Việt Nam nhỏ con, khả năng thích nghi cao, chịu đựng kham khổ tốt, ít bệnh tật. Ngoại hình xấu: thấp ngắn, mình lép, mông lép, ngực lép, trán lõm... Tầm vóc nhỏ bé, nên không thể dùng làm nền để lai tạo với các giống bò chuyên thịt hoặc sữa. Khả năng sản xuất thấp về mọi mặt, giá trị kinh tế thấp.

Khối lượng bò cái khi trưởng thành 160 – 180 kg, bò đực 250 – 280 kg, khoảng 20% tổng đàn trên 200kg. Bò cái 3 – 3,5 tuổi đẻ lứa đầu. Tỷ lệ đẻ hàng năm 47 – 50 %, bê sơ sinh nặng 12 – 14 kg. Sản lượng sữa 300 – 400 kg, vừa đủ cho bê bú; tỷ lệ thịt xẻ 42 – 44 %. Bò phân bố tương đối tập trung (57 – 60 % tổng đàn) từ Thanh Hoá dọc theo Quốc lộ 1A đến miền Đông Nam Bộ.

Bò Thanh Hóa

Đặc điểm: tầm vóc trung bình, phát dục cân xứng, thân hình chữ nhật dài, sừng ngắn, con đực mõm ngắn, con cái mõm dài, yếm kéo dài từ hầu đến ức, cổ có nhiều nếp nhăn nhỏ. Bò đực có u, bò cái không có u.

 

Sức sản xuất: khối lượng sơ sinh 14 – 15 kg, Khối lượng con đực: 300 – 350 kg, con cái 200 – 250 kg, tỷ lệ thịt xẻ 50 – 53 % (đực thiến). Phối giống lần đầu: 20 – 24 tháng tuổi, sản lượng sữa 2 kg/ngày.

Bò Nghệ An

Đặc điểm: tầm vóc trung bình, con cái dáng tiền thấp hậu cao, con đực thì ngược lại. Lông màu sẫm (70 – 80 %), có 1 sọc đen kéo dài từ u vai đến mông. Yếm dài, con đực có u vai cao, con cái có u vai thấp.

 

Sức sản xuất: Mắn đẻ (30% 1 lứa/năm, 60% 2 lứa/ 3 năm, 10% 1 lứa/ 2 năm). Khối lượng trưởng thành con đực 278kg, con cái 200kg, đực thiến 300kg. cày kéo yếu nhưng dai sức.

Bò Mèo Hà Giang

Đặc điểm: Lông vàng nhạt, sẫm hoặc cánh dán; một số ít màu đen nhánh. Tai to, đưa ngang; lưng hơi võng; mông dài, lép.

 

Sức sản xuất: Khối lượng sơ sinh: 15 – 16 kg, khối lượng trưởng thành, con đực 250 – 300 kg, con cái: 220 – 280 kg. Sinh sản 2 lứa/3 năm. Khả năng cày kéo tốt (1000 – 1500 m2/ ngày).

2. Bò ngoại

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều giống bò chuyên thịt với năng suất cao. Đây là một số giống bò nuôi thịt trên thế giới

a. Bò Red Sindhi

Bò Red Sindhi là một giống bò thịt thuộc giống bò Zebu có xuất xứ từ vùng Sindhi của nước Pakistan. Đây là là giống bò kiêm dụng cho thịt và sữa.

Màu đặc trưng của bò là màu đỏ cánh gián nhưng cũng có thể có một số cá thể có những mảng đen ở dọc lưng, hai bên cổ hoặc có thể có một vài đốm trắng nhỏ cũng có thể được chấp nhận. Giống bò này có thân hình ngắn, chân cao, mình lép, tai to và rũ xuống, có yếm và nếp gấp da dưới rốn rất phát triển. Đây là một đặc điểm tốt giúp bò thích nghi với điều kiện khí hậu nóng nhờ tăng diện tích toả nhiệt. Bò đực có u vai rất cao, đầu to, trán gồ, rộng, sừng ngắn, cổ ngắn, vạm vỡ, ngực sâu nhưng không nở. Bò cái có đầu và cổ nhỏ hơn, phần sau phát triển hơn phần trước, vú phát triển, núm vú to, dài, tĩnh mạch nổi rõ. Đặc biệt, da ở âm hộ có rất nhiều nếp nhăn.

 

 Khối lượng trưởng thành của bò cái 350 – 380 kg và bò đực 450 – 500 kg, năng suất sữa ở bò cái bình quân 1500 – 1600 kg trong một chu kỳ vắt sữa 240 – 270 ngày. Khối lượng bê sơ sinh 20 – 21 kg, tỷ lệ thịt xẻ 50%. Ở nước ta hay dùng bó cái ta vàng lai với tinh bò Red Sindhi để tạo ra con lai F1, con lại này được dùng làm nền để lai tạo với các giống bò cao sản.

b. Bò Brahman

Bò Braman là một loại bò thịt thuộc giống bò Zebu có nguồn gốc từ Ấn Độ (Bos primigenius indicus). Bò được đặt tên theo vị thần Bà La Môn tôn kính của tôn giáo Ấn Độ. Đây là loại bò thịt nhiệt đới, được nuôi rộng rãi ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có nước ta.

Bò Brahman có màu trắng, xám nhạt, đỏ, đen hoặc trắng đốm đen, bò đực trưởng thành màu lông sậm hơn con cái. Lông cổ, vai, đùi, hông sậm màu hơn các vùng khác. Ở Úc, người dân nuôi bò Brahman màu trắng là chủ yếu để sản xuất thịt, còn nuôi Brahman màu đỏ chủ yếu để xuất cho các nước Châu Á do các nước này chuộng màu đỏ.

 

Đây là giống bò lớn con, ngoại hình đẹp, thân dài, lưng thẳng, tai to, hệ cơ, u, yếm phát triển. Khối lượng trưởng thành của bò cái 450 – 600 kg, bò đực 600 – 1000 kg, Tuy nhiên năng suất sữa thấp chỉ khoảng 600 – 700 kg/chu kỳ. Khối lượng bê sơ sinh 23 – 24 kg. Bò có tốc độ tăng trưởng nhanh trung bình 800 – 1200 g/ngày, giai đoạn vỗ béo lên đến 1200 – 1500 g/ngày. Tỷ lệ xẻ thịt: trên 58%. Bò có tính mắn đẻ, dễ đẻ, lành tính, nuôi con giỏi, động đực lần đầu 15 – 18 tháng tuổi và khoảng cách giữa 2 lứa đẻ 12 – 14 tháng.

Bò Brahman có thể lực tốt, thích nghi cao với điều kiện nhiệt đới, khô hạn. Khả năng sinh sản, sản xuất vẫn duy trì ở nhiệt độ cao, thời tiết khắc nghiệt cũng như vùng đồng cỏ khô hạn khi mà các giống bò khác bị giảm năng suất. Bên cạnh đó giống bò này còn có khả năng kháng ve, ký sinh trùng đường máu, ít mắc các bệnh về mắt, móng.

c. Bò Angus

Bò Angus có tên tiếng Anh đầy đủ là Aberdeen Angus – một giống bò thịt có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Scotland cách đây 1000 năm. Vào những năm 1870 của thế kỉ thứ 19, bò Angus được xuất khẩu sang Hoa Kỳ với mục đích lai tạo thí nghiệm. Nhưng sau nhiều năm, bò Angus trở nên phổ biến và nổi tiếng vì chất lượng thịt của nó. Ngày nay, bò Angus được chăn nuôi phổ biến ở Hoa Kỳ và các nước ôn đới trên thế giới để lấy thịt.

 

Bò có màu đen hoặc màu đỏ, vằn vàng đỏ nhạt. Đây là giống có ngoại hình, thể chất chắc chắn, khỏe mạnh. Bò thường không có sừng, trọng lượng bê sơ sinh 24 – 30 kg. Giống bò này có tốc độ tăng trưởng nhanh 1000 g/ngày, giai đoạn vỗ béo 1000 – 2000 g/ ngày. Trọng lượng bò lúc trưởng thành: bò đực 800 – 1000 kg, bò cái 550 – 700 kg. Bò có chất lượng thịt tốt, có các vân mỡ xen kẽ trong các thớ thịt, giúp thịt mềm và béo. Tỷ lệ xẻ thịt: trên 70%. Bò thích hợp với vùng khí hậu ôn đới và nuôi chăn thả.

d. Bò Droughtmaster

Bò Droughtmaster (DRM), có nghĩa là “Bậc thầy về chịu hạn”. Bò được lai tạo ở Úc, có 50% máu bò giống ShortHorn (Anh) và 50% máu giống Brahman. Bò được nhập về từ bang Queensland, Australia. Giống bò này phát triển tốt ở vùng Bắc Mĩ, thích hợp với điều kiện nóng bức, tận dụng đồng cỏ nghèo nàn rất tốt.

 

Đây là giống lớn con trung bình, thân dài, tròn, lông ngắn, thưa, mượt, da mỏng, đàn hồi tốt. Màu lông từ màu vàng nhạt đến đỏ sậm. Phần lớn bò đều không sừng, u lưng nhỏ, chân và móng chắc, khỏe, không bị say nắng, ít mắc các bệnh về mắt, kháng ve, kí sinh trùng. Bò dễ đẻ, lành tính, nuôi con tốt, trọng lượng bê sơ sinh đạt 20 – 25 kg/con. Trọng lượng trưởng thành (24 – 36 tháng tuổi) đạt 450 – 600 kg/con vơi tỷ lệ thịt xẻ là 58 – 60 %. Tuổi đẻ lần đầu là 28 – 30 tháng và khoảng cách giữa 2 lần đẻ là 14 – 18 tháng.

e. Bò Charolais

Bò Charolais là một giống bò thịt có nguồn gốc từ vùng Charolles của nước Pháp, đây là một trong những giống bò lâu đời, có nguồn gốc từ Jurassic và phát triển mạnh ở vùng Charolles, miền Trung nước Pháp.

Bò Charolais có kết cấu cơ thể cân đối, cơ bắp nổi rõ, lớn nhanh và hiệu quả sản xuất thịt bò cao. Chúng có hoặc không có sừng. Màu chủ yếu là trắng kem. Tuy nhiên cũng có con màu vàng tối. Vì giống bò này lớn nhanh, to con, cơ bắp nổi rõ vì vậy khối lượng thịt xẻ cao.

 

Con đực nặng 1200 – 1300 kg con cái 700 – 800 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt trên 65%. Bò đực giống Charolais đạt khối lượng 800 – 900 kg ở 500 ngày tuổi. Bò có tính trầm, hiền lành và chịu kham khổ. Nhược điểm của bò Charolais là chất lượng thịt chưa cao như bò Angus. Bê sơ sinh có khối lượng lớn nên nhiều ca sinh khó, tỷ lệ nuôi sống của bê chưa cao.

f. Bò Limousin

Bò Limousin là một giống bò thịt có nguồn gốc từ vùng Limousin và Marche, miền Nam trung tâm nước Pháp. Đây là giống bò chuyên thịt rất nổi tiếng, thịt có chất lượng cao. Hiện nay giống bò này và sản phẩm thịt của nó đã có mặt ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Nguồn gốc của loài bò này hiện đang gây tranh cãi, theo các tranh vẽ của người cổ trên các hang động thì giống bò này thuộc nước Pháp ngày nay, nhưng một số kết quả phân tích DNA khác thì lại theo hướng đây là giống bò có nguồn gốc từ vùng Trung Cận Đông.

 

Giống bò này có sắc lông màu đỏ và không có đốm; niêm mạc mũi cũng màu đỏ hoặc màu hồng nhạt (tùy cá thể); sừng và móng chân màu trắng, trắng xám. Tầm vóc của bò lớn, thân hình dài, lưng thẳng, đầu ngắn, trán rộng. Khối lượng bò cái 540 – 600 kg, bò đực 800 – 900 kg. Nuôi thịt lúc 12 tháng tuổi bê đực đạt 450 – 460 kg, bê cái 380 – 400 kg. Tỷ lệ thịt xẻ trung bình 70%. Bò thích hợp với vùng khí hậu ôn đới.

g. Bò Sahiwal

Bò Sahiwal  thuộc giống bò Zebu có nguồn gốc từ một huyện vùng biên giới Sahiwal bang Punjab của Pakistan. Hiện nay, bò được nuôi rộng rãi ở các nước Pakistan, Ấn Độ, một số nước Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh.Đây là giống bò kiêm dụng cho cả sữa lẫn thịt.

 

Bò có màu vàng sẫm hoặc màu vàng hơi đỏ tối, một số có màu vàng như bò vàng Việt Nam, thể chất chắc chắn, có ngoại hình. Khối lượng trưởng thành của bò cái nặng khoảng 350 kg, bò đực 450 – 500 kg. Năng suất sữa bình quân ở bò cái là từ 2100 – 2200 kg trong một chu kỳ vắt sữa 270 – 280 ngày. Khối lượng bê sơ sinh 21 – 22 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 50%.

h. Bò Blanc Belge (BBB)

Bò Blanc Belge (BBB) là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được tạo ra từ năm 1919 nhờ lai tạo giống bò địa phương của Bỉ với bò Shorthorn (Pháp). Giống bò BBB là giống bò thịt đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội, ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao, bò BBB rất hiền lành.

 

Bò BBB có 3 màu lông cơ bản: Trắng, loang xanh và đen do sự phân ly của gien bò Shorthorn. Trọng lượng sơ sinh bình quân 44 kg/con, một  năm tuổi đạt trọng lượng 480 – 500 kg/con. Bò cái mang thai lứa đầu nặng 700 – 750 kg/con, cái cơ bản nặng 850 – 900 kg/con, bò đực trưởng thành nặng 1100 – 1200 kg. Tuổi đẻ lứa đầu trung bình là 32 tháng, thời gian mang thai 280 ngày, tỷ lệ đẻ hàng năm 80%, khoảng cách lứa đẻ 14 tháng. Hệ số sử dụng thức ăn cao 5,5 – 7 kg. Tỷ lệ thịt tinh/thịt xẻ đạt: 78%.

3. Bò lai

Giống bò nội của nước ta mặc dù dễ nuôi, ít bệnh nhưng năng suất nuôi không cao. Trong khi các giống bò trên thế giới có năng suất nuôi thịt cao, nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và chất lượng thức ăn tốt. Bên cạnh đó, nếu muốn nuôi những giống bò cao sản này, cần phải nhập cả con bò giống về, chi phí giống sẽ cao mà bò chưa hẳn đã phù hợp với điều kiện khí hậu và kỹ thuật của nước ta để đem lại hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Do đó, các nhà chăn nuôi đã nhập tinh bò ngoại hoặc đực giống về cho gieo phối với bò cái để cải tạo năng suất chăn nuôi. Tùy theo từng thế hệ lai mà năng suất sẽ được nâng cao, đồng thời cũng sẽ đòi hỏi kỹ thuật và điều kiện chăm sóc nghiêm ngặt hơn.

Đây là một số giống bò nuôi thịt được lai tạo ở nước ta

a. Bò lai Sind

Nguồn gốc: là con lai cấp tiến giữa bò đực giống RedSindi và bò cái Vàng Việt Nam. Phân bố rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoại hình: bò lai Sind có tầm vóc trung bình, màu lông vàng hoặc đỏ sẫm, có đầu hẹp, trán gồ, tai to cụp xuống, yếm và rốn rất phát triển, u vai nổi rõ, lưng ngắn, ngực sâu, mông dốc, bầu vú khá phát triển, âm hộ có nhiều nếp nhăn, đa số đuôi dài và đoạn chót không có xương. Con đực trưởng thành nặng 450 – 500 kg, con cái nặng 320 – 350 kg. Khối lượng sơ sinh 17 – 21 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 48 – 49%, tỷ lệ thịt tinh là 39 %, thớ thịt dày, mềm, thơm ngon.

 

Bò lai Sind chịu được kham khổ tốt, có khả năng chống bệnh tật cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nóng ẩm. Thường được dùng làm nền để lại với các giống bò (thịt và sữa) cao sản khác để cải tạo năng suất.

b. Bò lai Charolaise

Nguồn gốc: Là kết quả lai kinh tế giữa đực giống charolaise với bò cái lai Sind để tạo đàn bò lai F1 nuôi lấy thịt. Đây là phẩm giống năng suất và tỷ lệ thịt xẻ cao.

 

Về ngoại hình: Con lai F1 Charolais có màu lông trắng kem đến kem ánh sữa, chân thấp, mình tròn, cơ bắp nổi rõ. Lông trán dài và xoăn. Mắt trắng, viền mắt và gương mũi có màu lang hồng. Tính hiền dễ nuôi,  được người dân ưa chuộng. Khối lượng bê sơ sinh 20 – 23,1kg, 12 tháng tuổi 173kg, lúc 24 tháng tuổi đạt 335kg .Tăng trọng 560 g/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ 53 – 55 %. Tỷ lệ thịt tinh 44%.

c. Bò lai Droughtmaster

Nguồn gốc: Là kết quả lai kinh tế giữa đực giống Droughtmaster với bò cái lai Sind để tạo đàn bò lai F1 nuôi lấy thịt. Đây là phẩm giống có tỷ lệ thịt xẻ cao.

 

Ngoại hình: Con lai F1 Droughtmaster x Lai Sind: mặt ngắn, đầu tròn, có u vai nhỏ, cổ và tai dài vừa phải, chân hơi thấp (sơ sinh cao trung bình 59,2cm nặng 20kg), yếm và rốn phát triển, Lông màu vàng đậm hoặc màu cánh gián, viền mắt và mũi có màu nâu sáng, một số có viền mắt, gương mũi và móng guốc màu đen nhạt. Khối lượng bê sơ sinh 19 – 22 kg. Con lai F1 Droughtmaster đạt tăng trọng rất khá, 6 tháng tuồi 128,5kg, 12 tháng tuổi đạt 214,7kg; 18 tháng tuổi đạt 298,8kg. Tỷ lệ thịt xẻ 50 – 52 %. Tỷ lệ thịt tinh 41%.

d. Bò lai Brahman

Nguồn gốc: Là kết quả lai kinh tế giữa đực giống Brahman với bò cái lai Sind để tạo đàn bò lai F1 nuôi lấy thịt. Đây là phẩm giống có tỷ lệ thịt xẻ cao.

 

Bê lai Brahman có đặc điểm nổi trội là trán dô, tai cúp, lớn nhanh. Khối lượng bê sơ sinh 18 – 22 kg, ở 3 tháng tuổi đã đạt trọng lượng trên 80kg, 5 – 6 tháng tuổi đạt từ 120 – 150 kg/con, so với bê lai Sind thì bê lai Brahman có trọng lượng lớn hơn và lớn nhanh hơn. Tỷ lệ thịt xẻ 51 – 53 %, tỷ lệ thịt tinh 40%.

e. Bò lai BBB F1

Nguồn gốc: Là kết quả lai kinh tế giữa đực giống BBB với bò cái lai Sind để tạo đàn bò lai F1 nuôi lấy thịt. Đây là phẩm giống có tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt tốt.

  

Bê F1 BBB sinh ra khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện, môi trường sống. Kết hợp được cả tốc độ phát triển, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt của con bố (bò siêu thịt BBB) và sự thích nghi với môi trường sống của con bò mẹ (bò lai Sind tại Việt Nam). Bê có trọng lương sơ sinh 28 – 31 kg, tăng trọng bình quân 25 kg/tháng, cá biệt có con tăng trọng 30 kg/tháng. Dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh.

 Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công Ty TNHH NHÂN LỘC