Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
  • OVOLEAD
    CẢI THIỆN NĂNG SUẤT TRỨNG VÀ SẢN XUẤT GIỐNG
  • HCĐB
    Heo con lớn nhanh, da hồng, lông mượt, nở mông,...
  • B.COMPLEX – ...
    - Kích thích thèm ăn, trang trọng...
  • GLUCAN – C
    - Tăng cường miễn dịch, chống stress - Phòng bệnh tai...
  • ROMILK
    - Sữa bột chuyên dùng cho heo con - Thay thế...
  • Y – MOS
     Y –MOS là thành phần bổ sung thức...
  • Nutrase Xyla
      Men tiêu hóa giúp tăng năng...
  • FREE TOX
    Chất hấp thụ độc tố nấm mốc đa thành phần...
  • Manyang p
     Manyang p. là chất phụ gia thức ăn có...
  • CBN
    Hoạt chất tăng trưởng phi kháng sinh dùng cho...
  • COZYME 10X
    Men tổng hợp hỗ trợ tiêu hóa giúp...
  • CHOCOLATE ...
    Nguồn nguyên liệu kẹo đường Chocolate đặc biệt...
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Heo
[CHĂN NUÔI] Nâng cao số heo con sinh ra

Số heo con sinh ra/lứa đẻ là một trong những chỉ số ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của người chăn nuôi. Không có nhiều trại đạt ổn định năng suất 10 con/lứa đẻ. Tuy nhiên chúng ta đã biết nái có thể đạt được năng suất 10.7 con và nếu tốt có thể đạt tới 11.25 con/lứa đẻ. Vậy làm sao để nâng cao số heo con sinh ra còn sống?

Tiến trình tạo nên một lứa heo con bắt đầu từ lúc nang noãn được phóng thích khỏi buồng trứng cho đến lúc sinh heo con. Muốn gia tăng số heo con sơ sinh còn sống, chúng ta cần phải hoàn thiện tất cả các bước trong quá trình chăn nuôi như: Chọn giống, phối giống và quản lý, dinh dưỡng, khí hậu chuồng nuôi, thú y…đồng thời quản lý tốt bốn giai đoạn chính:

Giống heo

Heo nái đóng góp một nửa yếu tố di truyền vào năng suất của đàn heo con. Do đó, phải chọn lựa cẩn thận đàn heo nái là việc làm có ý nghĩa quan trọng.

Từ những heo nái đẻ sai, tốt sữa chọn lọc ra các heo cái lớn nhanh, nhiều nạc nhất. Không chọn heo có các khuyết tật ở cơ quan sinh dục, vú và khung xương. Cơ quan sinh dục phải phát triển bình thường cả hình thể lẫn hoạt động. Heo cái hậu bị có cơ quan sinh dục bên ngoài nhỏ thể hiện sinh dục không bình thường. Heo cái hậu bị phải có ít nhất 6 đôi vú xếp đồng đều mỗi bên và thẳng hàng, không có vú lép hoặc vú bị thụt vào. Không chọn những heo có chân yếu, đi bằng bàn chân móng hở.

Nếu không thể áp dụng các biện pháp chọn lọc cần thiết thì nên mua heo cái hậu bị (giống heo lai F1 theo hướng Landrace x Yorkshire) khỏe mạnh từ các trại chăn nuôi heo giống có uy tín.

Heo hậu bị khi đưa vào phối giống lần đầu cần đạt trọng lượng và độ tuổi thich hợp (225 ngày tuổi và 125 kg)

Tối đa hóa lượng trứng rụng (kích thích nhiều trứng rụng)

Để tăng số heo con đẻ ra cần tăng lượng trứng rụng. Những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến lượng trứng rụng là dinh dưỡng cho nái. Đặc biệt là tăng cường dinh dưỡng trước khi heo lên giống. Hai tuần trước khi nái lên giống cần chú ý đến hàm lượng đạm trong khẩu phần, tăng thêm lượng thức ăn khoảng 0,5kg/ngày/con, đồng thời bổ sung thêm các vitamin A, D, E kết hợp với việc thêm 1 liều Tonosan. Tác động này giúp cho trứng phát triển nhanh hơn, số trứng chín tăng.

                       Ảnh hưởng của năng lượng ăn vào trước khi phối giống đến số trứng rụng

Chế độ cho ăn

Số thí nghiệm

DE (MJ/ngày)

Số trứng rụng

Cao

36

42.8

13.7

Thấp

30

23.4

11.8

 Aherne & Kirkwood, 1985

Kết quả ở trên được giải thích theo cơ chế tác động của hormone. Khi lượng thức ăn tăng sẽ làm gia tăng glucose huyết. Glucose huyết cao kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin, insulin có 3 tác động: tác động chính là tăng biến dưỡng glucose để tạo năng lượng, tăng tổng hợp glucogen lipid; tác động thứ hai là kích thích hypothalamus và vùng dưới đồi tăng tiết FSH và LH, các hormone này theo máu đến buồng trứng kích thích các nang noãn phát triển, chín và rụng; tác động thứ ba của insulin là kích thích gan tăng tiết IGH, IGH làm gia tăng đồng hóa thức ăn và tác động lên buồng trứng làm cơ quan này tăng mẫn cảm với tác động của các hormone sinh dục của tuyến não thùy. Kết quả là số trứng chín và rụng gia tăng. Có thể xem insulin là yếu tố khơi mào cho sự động dục và rụng trứng khi tăng lượng thức ăn cho heo nái trước khi phối giống.

Nếu có điều kiện nên cho nái tiếp xúc trực tiếp với heo đực giống hoặc mùi của đực giống trước khi nái lên giống cũng rất quan trọng. Việc tiếp xúc này giúp nái hoàn thiện phản xạ tiết hormon sinh dục tham gia vào quá trình lên giống và rụng trứng. Nhưng nếu heo đực luôn ở bên cạnh nái sẽ không tốt cho việc rụng trứng và lên giống, nếu có thể 3 ngày trước khi lên giống cho tiếp xúc với đực khoảng 10 phút ngày 2 lần.

Ngoài ra, cần tạo môi trường thoáng mát, giảm các tác động xấu trong thời gian trước khi heo lên giống 2 tuần cũng góp phần giúp cho quá trình phối giống đạt kết quả cao hơn

Thụ tinh cho trứng (quá trình thụ tinh)

Muốn phối giống đạt hiệu quả cao, cần phải theo dõi kỹ từng heo nái, vì thời gian động dục khá biến động tùy theo cá thể. Thời gian động dục kéo dài 12 – 96 giờ nhưng có thể chỉ 12 – 24 giờ ở một số heo hậu bị. Heo hậu bị đứng yên chịu nọc chỉ trong 7 phút và heo nái rạ trong 10 phút. Trong một kỳ động hớn, khoảng 16 – 25 noãn xuất xuống ống dẫn trứng. Noãn chỉ sống trong vòng 8 giờ sau khi xuất, còn tinh trùng có thể sống 48 giờ sau khi vào đường sinh dục của heo cái. Do đó, phải kiểm tra kỹ chất lượng tinh dịch, đảm bảo có từ 3 – 5 tỷ tinh trùng sống/liều, người dẫn tinh phải thực hiện cẩn thận từng thao tác trong kỹ thuật dẫn tinh và phải chọn đúng thời điểm để phối giống. Biểu hiện lâm sàng thời điểm phối giống của heo nái bao gồm: âm hộ giảm sưng, tái màu, có tiết dịch nhầy đặc (so với giai đoạn tiền động dục) và đặc biệt là heo có biểu hiện mê đực - chịu cho heo khác nhảy lên lưng. Thời điểm bắt đầu biểu hiện mê đực mới được gọi là thời điểm 0 và trứng rụng sau thời điểm 0 trong khoảng 24 – 36 giờ.

Thông thường, đối với heo hậu bị nên phối giống 3 lần, mỗi lần phối cách nhau 12 giờ (thời điểm phối trong ngày như sau “sáng - chiều - sáng” hoặc “chiều - sáng - chiều”. Đối với heo nái rạ nên phối giống ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ để gia tăng tỷ lệ đậu thai

Heo bị stress trong thời gian phối giống, nhiệt độ chuồng nuôi cao, kỹ thuật viên không nhẹ nhàng với heo nái, heo nọc cố gắng nhảy heo nái trong khi heo nái chưa chịu đực là những yếu tố có thể làm giảm tỷ lệ đậu thai và số heo con đẻ ra trong ổ.

Quản lý thời kỳ trứng làm tổ

Cho dù trứng rụng nhiều, thời điểm phối chính xác nhưng trong thời gian khoảng 4 tuần đầu nếu quản lý nái không tốt thì số heo con đẻ ra sẽ không nhiều. Lý do là trong thời gian này trứng thụ thai đi vào bên trong tử cung, chỉ có 70 – 80 % số trứng thụ tinh làm tổ được. Tuy nhiên, nếu trong thời gian này nái bị stress, di chuyển nhiều, nuôi nhốt chung hoặc bị kích động thì tỷ lệ trứng làm tổ thành công sẽ bị giảm, hậu quả là số lượng con đẻ ra ít đi. Chính vì vậy cần hạn chế di chuyển nái 4 tuần đầu sau khi phối, đồng thời heo nái cần được giữ yên tĩnh, ấm áp, không bị stress.

Để giảm tỷ lệ thai chết trong thời gian đầu, cần cho nái ăn hạn chế. So với việc cho ăn 4.1 kg/ ngày, nếu cho ăn hạn chế mỗi ngày 2.5kg hoặc 1.25kg, tỷ lệ sống của thai nhi trong 10 ngày đầu sẽ cải thiện 6 – 12 %. Nếu trong vòng 20 ngày đầu cho ăn ít 1.25 kg, sẽ cải thiện tỷ lệ sống của thai khoảng 7%

       Ảnh hưởng của năng lượng ăn vào sau phối giống đến tỷ lệ sống của thai nhi

Lượng cám ăn vào (kg)

4.1

2.5

1.25

Tỷ lệ sống thai nhi (ngày 1 – 10)

66.0

72.1

78.4

Tỷ lệ sống thai nhi (ngày 10 – 20)

67.3

72.0

71.9

 

Duy trì thai nhi

Mục đích là để cho những trứng đã làm tổ thành công được phát triển tốt trong suốt quá trình mang thai, giảm số heo con chết trong bụng mẹ và nâng cao trọng lượng toàn ổ heo con sơ sinh.

Giảm lượng thức ăn còn 1.8 – 2.2 kg/ngày ngay sau khi phối để tránh hiện tượng chết phôi (hiện tượng chết phôi do ăn nhiều thức ăn trong giai đoạn đầu của thai kỳ thường gặp ở heo nái tơ).

Sơ đồ ảnh hưởng của năng lượng ăn vào sau khi phối đến tỷ lệ sống của phôi

Heo nái ăn chế độ cao

Trọng lượng cơ thể tăng nhanh (phục hồi thể trạng nhanh)

Tăng lượng máu qua gan

Giảm hàm lượng progesterone huyết tương

(Gan là cơ quan phân giải progesterone)

Không đủ USP (Uterine spesific proteins)

(Protein đặc biệt của tử cung)

Giảm tỷ lệ sống của phôi

 

Ảnh hưởng của chế độ cho ăn trong thời kỳ đầu mang thai (1 – 60 ngày) đến hàm lượng progesterone trong huyết tương và tỷ lệ sống của phôi trên heo nái

 

Lượng cám trung bình (kg/ngày)

1.5

2.25

3.0

Tỷ lệ sống của phôi (%)

82.8

78.6

71.9

Progesterone trong máu (mg/ml)

16.7

13.8

11.8

(Dyck & ctv, 1980)

Ngoài ra, để cải thiện trọng lượng của heo con sơ sinh, tăng khả năng sống của heo con trong giai đoạn theo mẹ và tăng sản lượng sữa của heo nái nuôi con thì trong 3 tuần cuối của thai kỳ phải cho heo nái ăn với lượng thức ăn hàng ngày là 3,0 - 3,5 kg thức ăn hỗn hợp (tùy theo thể trạng của heo nái).

Trước khi đẻ 3 ngày giảm lượng cám cho heo mẹ ăn. Vì trước khi đẻ nếu cho nái ăn quá nhiều sẽ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng phát sinh các vấn đề về tử cung. Đồng thời, heo nái giai đoạn này cũng giảm ngon miệng, bên cạnh đó giảm cám trong giai đoạn này cũng không ảnh hưởng tới trọng lượng heo con sơ sinh.

Giảm tỷ lệ heo con chết trong quá trình đẻ

Một giai đoạn không kém phần quan trọng đó là đỡ heo đẻ. Hạn chế tối đa số heo con chết do bị ngạt, bị đè hay bị lạnh, góp phần giúp tăng số lượng heo con sơ sinh còn sống.

Thú y

Mọi trường hợp bệnh tật đều làm giảm khả năng sinh sản của heo nái. Tuy nhiên, nếu nâng cao được sức chống chịu và sức miễn dịch của đàn heo, tránh bớt các stress và tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh thì có thể giảm tổn thất do dịch bệnh. Do đó, phải giữ chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên tiêu độc khử trùng để giảm bớt khả năng lan truyền của dịch bệnh. Phải tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng những bệnh thường gặp như: bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả heo, bệnh tụ huyết trùng, bệnh phó thương hàn heo và các bệnh gây chết thai như: giả dại (Aujeszky), dấu son, bệnh do leptospira, bệnh do parvovirus…

Ngoài ra, vệ sinh và chăm sóc hậu sản tốt để tránh nhiễm khuẩn đường sinh dục và hội chứng MMA. Các bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu không chỉ ở lứa đẻ ngay thời điểm bị nhiễm khuẩn, mà còn ảnh hưởng xấu đến lứa đẻ kế tiếp vì bệnh có thể làm hư niêm mạc tử cung. Sau khi đẻ, heo nái suy giảm sức khỏe nên các bệnh cơ hội rất dễ tấn công như bệnh tụ huyết trùng và bệnh viêm phổi.

Tóm lại: Phải tuân thủ chặt chẽ tất cả các yếu tố đã được nêu ở trên sẽ giúp người chăn nuôi “cải thiện số heo con sơ sinh còn sống”. 

Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công Ty TNHH NHÂN LỘC